Vĩnh Phúc bứt phá ngoạn mục
- Thứ ba - 20/05/2014 00:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện tỉnh đang phấn đấu trong năm 2014 sẽ hoàn thành thêm 17 xã và đến năm 2015 sẽ có từ 50 - 55% số xã đạt chuẩn NTM.
Cuộc "cách mạng" về hiếu, hỷ
"Nếu làm cho dân con đường mới, xây cho dân nhà văn hoá mới, hỗ trợ tiền tỷ để dân làm mô hình kinh tế mới mà tư tưởng của người nông dân không thay đổi thì đó là sự thất bại của NTM”, Chủ tịch UBND xã Nhạo Sơn Lê Văn Lượng chia sẻ.
Không bói toán, khóc thuê
Trong lúc chờ lãnh đạo xã đi họp trên huyện về, tôi tranh thủ ghé qua phòng văn hoá xã trò chuyện với anh Hoàng Trọng Thức. Hoá ra, ngày trước ở xã Nhạo Sơn (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) cũng có lắm tục lệ đến lạ đời.
Chẳng hạn như chuyện tổ chức đám tang, khi có người qua đời, chủ nhà để thi thể người quá cố tận 3 ngày mới chôn cất. Có trường hợp người ta còn thấy có giọt nước màu đen rớt từ quan tài xuống, ai cũng kinh. Lúc đưa tang ra khỏi nhà, con dâu phải mặc áo tang trắng nằm bệt xuống nền nhà, rồi cứ thế lăn hàng chục vòng ra thềm, ra sân, ra cổng để tỏ lòng hiếu thảo.
Xe tang đi đến đâu, vàng mã bay đến đó kín cả đường làng. Trước khi mai táng, các nàng dâu phải nằm dưới huyệt cho đến khi đất bám đầy áo xô rồi mới đặt quan tài. Mưa gió, lầy lội đến mấy cũng phải tuân thủ tục lệ.
Khi bạn bè, thân hữu, bà con lối xóm trở về từ nghĩa địa, gia chủ cử người đứng dọc hai bên đường chào mời đoàn đưa tang vào ăn uống linh đình. Tiếng kèn đồng, trống đập, thanh la hoà lẫn giọng khóc mướn náo động cả xóm làng.
Một xã NTM không thể để tồn tại tục lệ lỗi thời như vậy được. Xác định được điều đó, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn, các đoàn thể... được huy động đông đủ để khuyên bảo nhưng cũng chẳng ai nghe vì tục lệ có từ bao đời nay, và cũng chẳng có quy định nào cấm tổ chức đám tang to cả. Thậm chí có người còn bảo cán bộ thôn làm thế là vi phạm nhân quyền.
Trước tình hình đó, năm 2011, UBND xã Nhạo Sơn đã ban hành văn bản về việc tổ chức đám tang. Theo đó, khi gia đình có người qua đời, gia đình hoặc thân nhân phải làm thủ tục khai tử tại UBND xã và báo với trưởng thôn dân cư trước khi tổ chức tang lễ theo quy định.
Để kiểm soát đám tang, UBND xã thành lập Ban tổ chức đám tang. Trưởng ban là một Phó Chủ tịch UBND xã, các thành viên gồm có cán bộ văn hoá xã, Thường trực UBMTTQ xã, các ban, ngành đoàn thể, trưởng thôn dân cư và đại diện gia đình có người thân qua đời.
Ban tổ chức đám tang có trách nhiệm tổ chức đám tang chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hoá của địa phương. Không để người quá cố trong nhà quá 36 giờ.
Việc quy định thời gian truy điệu, cử hành tang lễ cũng được quy định cụ thể: Mùa đông, buổi sáng từ 7h30 - 8h; buổi chiều từ 13h - 13h30. Mùa hè, buổi sáng từ 7h - 7h30; buổi chiều từ 13h30 -14h. Việc gói gọn thủ tục tang lễ trong 30 phút như vậy là để người dân còn có thời gian lao động SX, phát triển kinh tế.
Mọi hành vi mê tín dị đoan trong tang lễ như xem giờ đưa tang, lăn đường, khóc mướn... và những nghi thức rườm rà khác cũng phải xoá bỏ triệt để. Không để thuốc lá ra bàn, không mời thuốc lá trong đám tang. Không cử nhạc tang trước 5 giờ và sau 22 giờ; âm thanh mở nhỏ, không được ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh.
Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xây mộ không được tùy tiện
Dẹp đám tang linh đình mới chỉ là thành công bước đầu. Việc hung táng, cát táng còn nhiêu khê bất cập. Khi đưa hài cốt vào tiểu xong, gia đình bỏ nguyên ván thôi dưới mộ rất mất vệ sinh. Việc xây cất mộ cũng mỗi nhà làm một kiểu, cái to cái nhỏ, cái hướng đông, cái hướng tây.
Để giải quyết tình trạng này, ngày 15/1/2014, UBND xã tiếp tục bổ sung vào quy định tổ chức tang lễ những điểm mới: Việc hung táng, cát táng phải theo thứ tự, hàng lối. Phần mộ hung táng chiều dài là 2,2 m, chiều sâu 1,2m, chiều cao không quá 1 m. Mỗi phần mộ hàng ngang, hàng dọc cách nhau không rộng quá 1,5 m.
Khi gia đình cải táng cho người thân, phải lấy hết ván thôi lên để vào nơi quy định và đốt hết, đồng thời phải san lấp lại mặt bằng.
Nghiêm cấm mọi hành vi đắp mộ giả và các hành vi khác với mục đích chiếm đất tại khu vực nghĩa trang. Cấm không cho thả trâu bò và trồng các loại cây ngắn ngày và dài ngày tại khu đất nghĩa trang nhân dân xóm Bùng.
Theo cán bộ văn hoá Hoàng Trọng Thức, mọi hành vi trái thuần phong mỹ tục, đi ngược lại nếp sống văn minh thì phải xoá bỏ bằng được. Nhưng, những việc làm nhân văn thì phải khuyến khích và duy trì.
Ví dụ, mỗi khi trong xóm có người qua đời, mỗi gia đình cử một người đàn ông đi đào huyệt, còn phụ nữ phụ giúp công tác hậu cần. Đối với những gia đình đặc biệt khó khăn, không đủ khả năng tổ chức tang lễ, các đoàn thể của thôn đều trích quỹ để ủng hộ, giúp đỡ. Bà con lối xóm cũng quyên góp mỗi người một ít tuỳ khả năng để chuẩn bị lễ tang trang trọng.
Những năm trước, ở thôn Cửa Ngòi có gia đình đặc biệt khó khăn. Ông S. bị bệnh lao phổi, còn người vợ (bà M.) đau ốm quanh năm, sinh ra đứa con trai thì suốt ngày ốm yếu. Lần lượt ông S., bà M. đến người con trai qua đời, xóm làng ủng hộ, thôn xóm giúp đỡ nhiệt tình từ mua quan tài, áo tang, vòng hoa… để tổ chức đám tang cho họ như người thân trong gia đình.
Về chuyện quy hoạch nghĩa trang, trước đây xã Nhạo Sơn có 3 nghĩa trang là: Gò Ngọc, Giếng Hà và xóm Bùng. Hai nghĩa trang Gò Ngọc và Giếng Hà nằm gần sát khu dân cư, môi trường bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, trong quá trình xây dựng NTM, xã đã đóng cửa hai nghĩa trang này và quy hoạch nghĩa trang nhân dân duy nhất ở xóm Bùng có diện tích 1 ha, xa khu dân cư.
Ngoài tục lệ tổ chức đám tang, tục lệ cưới hỏi cũng lắm chuyện khôi hài, nhất là trong việc đăng ký kết hôn. Quan viên hai họ mấy chục người mang theo trà, nước kéo đến trụ sở UBND xã để chứng kiến đôi nam nữ yêu nhau đăng ký kết hôn. Trước khi đăng ký, đại diện hai bên mời trà nhau và phát biểu ý kiến như ngày rước dâu.
Tuy nhiên, khoảng 6- 7 năm trở lại đây không còn tình trạng này. UBND xã quy định, trước khi kết hôn, những đôi trai gái yêu nhau chỉ cần thắp hương tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Nhạo Khê, sau đó làm thủ tục bình thường, không được đi nhiều người gây mất trật tự tại trụ sở làm việc như trước.
Nhờ sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt, sáng tạo của Đảng uỷ, UBND xã Nhạo Sơn, cùng sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị xã hội, những hủ tục lạc hậu kéo dài nhiều đời nay đã được xoá bỏ.
ĐẢNG VIÊN TIÊN PHONG Quyết tâm xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM, Đảng uỷ xã Nhạo Sơn đã có hẳn Nghị quyết về việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Trong đó, Đảng uỷ xã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đảng viên thực hiện các công trình ở thôn, xóm. Cụ thể, đến tháng 6/2012, các hộ gia đình là cán bộ, BCH Đảng uỷ, trưởng ban ngành đoàn thể, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn phải cứng hoá đường từ thôn vào tới hộ. Đến tháng 12/2012, có 70% số hộ đảng viên có đường vào tới hộ được bê tông hoá. Các công trình phục vụ cho sinh hoạt của hộ gia đình như: nhà tiêu, nhà tắm, giếng nước, rãnh thoát nước ở khu vực giếng được xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo hợp vệ sinh… Từ đó đã xuất hiện những cá nhân tiêu biểu như cô giáo về hưu, đảng viên Lê Thị Ngọ (thôn Lũng Gì) hiến 500 m2 đất vườn bao quanh nhà, phá rào chắn để làm đường thôn xóm; đảng viên lão thành Lê Văn Chuyên vận động gia đình cứng hoá 55 m ngõ xóm từ đường trục thôn về nhà… Nhìn thấy những hoạt động thiết thực của cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ xây dựng NTM. Do đó, đến năm 2013, Nhạo Sơn đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM. |
Nguồn: nongnghiep.vn