Vốn tín dụng bám xã nông thôn mới
- Thứ năm - 03/11/2016 03:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thay vì đầu tư mạnh vào các tiêu chí “cứng” về hạ tầng, giao thông, hiện nay nguồn vốn cho vay phục vụ phát triển nông thôn mới đã được các NHTM linh hoạt phối hợp với địa phương để dồn mạnh hơn vào các tiêu chí đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nhằm giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Chẳng hạn tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, hơn một năm vừa qua, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở địa phương này đã chọn tiêu chí số 13 về “hình thức tổ chức sản xuất” làm tiêu chí đột phá để xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm.
Người trồng khóm (dứa) ở huyện Tân Phước, Tiền Giang được các NH đầu tư vốn rất lớn |
Để thúc đẩy đầu tư phát triển các mô hình kinh tế tập thể, chính quyền huyện Mỏ Cày Nam gia tăng khuyến khích đầu tư vào các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất – kinh doanh ngành hàng dừa và chăn nuôi heo. Theo đó, địa phương hỗ trợ cho vay 20 triệu đồng/hộ khi tham gia vào các hợp tác xã chăn nuôi và trồng trọt quy mô lớn. Ngoài ra, chính quyền huyện trực tiếp làm việc với 53 tổ vay vốn của Agribank trên địa bàn để thúc đẩy cho vay vào các hợp tác xã.
Kết quả cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, huyện Mỏ Cày Nam là địa phương có hoạt động cho vay qua tổ phát triển mạnh nhất so với các địa phương tại Bến Tre. Tổng dư nợ cho vay qua tổ đạt trên 18,6 tỷ đồng với hơn 400 hộ tổ viên các hợp tác tiếp cận được vốn ưu đãi lãi suất.
Cách thức đổi mới hướng đầu tư vào các xã nông thôn mới như trường hợp Mỏ Cày Nam hiện đang được nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL áp dụng. Tại Tiền Giang, Đồng Tháp, trong thời gian qua cho thấy, các TCTD cũng đã có sự chuyển hướng đầu tư mạnh hơn vào các tổ chức kinh tế tập thể thay vì dồn vốn vào các tiêu chí hạ tầng ở các xã nông thôn mới.
Lâu nay tại Tiền Giang, mỗi chi nhánh NHTM đều được NHNN tỉnh này phân công cho vay và hỗ trợ an sinh xã hội tại một vài xã nông thôn mới trên địa bàn các huyện.
Sau khi được phân công phụ trách đến từng xã, các TCTD đã phối hợp với các đơn vị khác như Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông để xây dựng các mô hình hợp tác xã tại 29 xã điểm. Các mô hình này là tâm điểm để NH rót vốn đầu tư sản xuất – kinh doanh.
Chính vì vậy từ đầu 2016 đến nay, dư nợ đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác đã lên khoảng 13,9 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hàng chục hợp tác xã kiểu mới trở thành động lực chính tăng thu nhập cho người dân ở các xã nông thôn mới.
Ở phạm vi rộng hơn, mới đây Agribank đã chủ động ký thỏa thuận Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương về việc hợp tác trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Phía NH cho rằng, mục tiêu đầu tư vốn cho nông thôn mới sẽ được tập trung cho những ngành có vai trò chuyển mạnh cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, đầu tư hỗ trợ các mô hình chuỗi giá trị nông sản.
Chính vì vậy, trong giai đoạn 4-5 năm tiếp theo hoạt động đầu tư vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ có sự chuyển hướng nhắm vào các tiêu chí đổi mới hình thức sản xuất, nguồn vốn sẽ dồn nhiều hơn vào phát triển các mô hình kinh tế tập thể và các doanh nghiệp, dự án sản xuất nông nghiệp lớn thay vì đầu tư mạnh vào các tiêu chí hạ tầng và cho vay hộ nông dân đơn lẻ.
Hà Minh/thoibaonganhang.vn