Vốn tư nhân dần chảy vào nông nghiệp
- Thứ hai - 15/05/2017 09:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Công ty Nutifood vừa công bố trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Cà phê An Phước (vốn điều lệ 136 tỷ đồng) bằng việc sở hữu 25% cổ phần tại đây, với mục tiêu xa hơn là Nutifood sẽ nâng sở hữu lên 51%.
Giá mua của Nutifood là 10.000 đồng/cổ phiếu, một mức giá tốt để sở hữu và quản lý tổng diện tích cà phê 827 ha, cùng với diện tích liên kết với các hộ dân lên đến 1.400 ha cà phê được chứng nhận cà phê sạch, có thể truy xuất nguồn gốc của UTZ Certified.
Là công ty xuất khẩu có tiếng, nhưng lợi nhuận của An Phước còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 4 tỷ đồng/năm trên doanh thu gần 400 tỷ đồng.
Nhìn An Phước có thể thấy được bức tranh chung của ngành cà phê. Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam, năm 2016, xuất khẩu cà phê nhân đứng thứ hai thế giới với sản lượng 1,78 triệu tấn, chiếm 20% thị phần thế giới, nhưng giá trị chỉ đạt khoảng 2% thị phần cà phê thế giới, do chủ yếu xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô.
Bán 1 kg cà phê nhân, thu về khoảng 2 USD (tương đương giá trung bình 1 ly cà phê ở các nước nhập khẩu), trong khi mỗi kg cà phê nhân có thể pha được 50 ly cà phê.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị NutiFood cho biết, khát vọng của Nutifood là đẩy mạnh công nghiệp chế biến, có thể xuất khẩu nguồn cà phê thành phẩm chất lượng cho giá trị cao, chứ không phải ở dạng thô cho giá trị thấp như hiện nay.
Không chỉ đầu tư vào An Phước, Nutifood còn cam kết đầu tư 1.100 tỷ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao tại Ðắk Lắk, gồm cả nuôi bò sữa.
Việc một công ty sữa tư nhân đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp dựa vào tiềm lực tài chính hiện có, khát vọng và “cảm xúc lãng mạn” của những người lãnh đạo, đang và có thể sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người ngoài cuộc.
Cũng trong lĩnh vực nông nghiệp, tuần trước, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã rót 230 tỷ đồng vào Công ty PAN Farm, công ty thuộc Tập đoàn PAN Food, để góp phần tạo nên hạt giống tốt cho ngành nông nghiệp.
IFC không chỉ là một tổ chức đầu tư vì lợi nhuận, mà còn vì trách nhiệm xã hội. Sau những bước đi tiên phong của các doanh nghiệp lớn như Vingroup, PAN, Lộc Trời…, dự báo nguồn vốn tư nhân sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp.
Tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam là rất rõ, nhưng ai có thể hiện thực hóa được nếu không phải là những doanh nghiệp tư nhân Việt Nam?
Cùng với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đối tượng nắm giữ nguồn lực quan trọng như quỹ đất lớn, thương quyền kinh doanh…, các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu tiếp cận được các nguồn lực quý giá này, là tiền đề quan trọng để phát triển nông nghiệp.
Cho đến nay, ngoài Hoàng Anh Gia Lai (HAG) tự thân phát triển được quỹ đất lớn bằng đầu tư ra nước ngoài, thì hiếm doanh nghiệp tư nhân nào tích lũy được quỹ đất lớn để làm nông nghiệp. Vì vậy, việc Nutifood mua An Phước là bước đi đáng chú ý để sở hữu quỹ đất đủ lớn cho áp dụng công nghệ ở cả khâu trồng trọt cũng như chế biến.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đi tiên phong đã gặp khó khăn trước nhiều biến động như Hoàng Anh Gia Lai, Minh Phú… PAN cũng đang đi từng bước rất thận trọng và việc thâm nhập vào lĩnh vực nông nghiệp cũng phải mất nhiều năm, bắt đầu bằng việc mua cổ phần của các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp…
Hòa Phát đang hoãn lại một nhà máy thức ăn gia súc vì biến động giá thịt lợn.
“Ðầu tư vào nông nghiệp là đầu tư lâu dài và cần sự kiên trì”. Ông Ðoàn Nguyên Ðức, Chủ tịch HAG đã chia sẻ với Nutifood như vậy.
Cho đến nay, cổ phiếu nông nghiệp trên sàn chưa nhiều. Tuy nhiên, kỳ vọng danh sách cổ phiếu nhóm DN ngành này sẽ sớm nhiều hơn, bởi để huy động vốn, biến khát vọng xây dựng nền nông nghiệp mạnh cho Việt Nam thành hiện thực, không có cửa nào hợp hơn là TTCK.
Theo báo Thanh tra