Vốn ưu đãi - “phao cứu sinh” của nhiều nông dân

Vốn ưu đãi - “phao cứu sinh” của nhiều nông dân
Hà Nội vẫn còn nhiều xã khó khăn. Đặc biệt là nông dân ở các huyện của Hà Nội bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa để chuyển đổi việc làm không đơn giản. Vì vậy nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) rất có ý nghĩa”. Đây là chia sẻ của bà Dương Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội khi nói về các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đang triển khai trên địa bàn thành phố.

Bà Dương Thị Hằng cũng khẳng định, ngoài việc đưa vốn đến với nông dân, Hội Nông dân các cấp đã xác định các giải pháp để nguồn vốn này được sử dụng hiệu quả, nâng cao đời sống, thu nhập, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Qua đó nông dân cũng tiếp cận được với kiến thức khoa học kỹ thuật mới, cách làm kinh tế hiệu quả.

 

Bà Hoàng Thị Ngãi được vay vốn ưu đãi để mua trâu, đến nay đã đủ trả cả vốn và lãi, đồng thời có được một khoản tái đầu tư chăn nuôi. Ảnh: Ngọc Tú


Cùng tham gia chuyến khảo sát, kiểm tra hiệu quả vốn vay ưu đãi ở xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), ông Đặng Đức Hạnh, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Sơn Tây cho biết, chỉ với vài chục triệu đồng và sự chăm chỉ làm ăn, nhiều hộ nghèo đã có “của ăn, của để”. “Khoản tiền nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, các hộ vay sử dụng hiệu quả đồng vốn ưu đãi cũng là niềm vui đối với những cán bộ NHCSXH”, ông Hạnh nói.


Trường hợp anh Nguyễn Thành Ninh ở thôn Kỳ Sơn, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây là một minh chứng cụ thể. Ở độ tuổi 20 “tay làm hàm nhai” nhưng anh Ninh đã mắc căn bệnh u xương hiểm nghèo. Chồng không còn khả năng lao động, người vợ trẻ phải tần tảo sớm hôm đi bán con cá con tôm ngoài chợ để nuôi gia đình.


“Như có một phép màu, tôi được giới thiệu đến vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Cầm trên tay 25 triệu đồng tôi mừng rơi nước mắt, vay thêm của người thân dăm triệu nữa vợ chồng tôi đã mua được 2 con bê. Nhờ đó mà tôi có thể tham gia trông nom, đỡ gánh nặng gia đình”, anh Ninh cảm động nói.


Vừa đón nhận một đàn lợn con mới sinh, chị Lê Thị Hồng Xuyến cùng ở thôn Kỳ Sơn, hồ hởi cho biết: “Nhà mình được vay từ NHCSXH 25 triệu đồng để thêm vốn chăn nuôi lợn. Đàn lợn 12 con vừa mới được sinh ra khoảng nửa năm nữa sẽ cho thu về 50 - 60 triệu đồng và lại có tiếp vốn để đầu tư thêm”. Với người phụ nữ đơn thân một mình nuôi con như chị Xuyến thì đó như chiếc “phao cứu sinh” cho mẹ con chị vượt qua khó khăn về kinh tế.


Còn ở thôn Bưởi, xã miền núi Khánh Thượng, huyện Ba Vì, bà Hoàng Thị Ngãi cho biết: “Tôi được vay 22 triệu đồng theo diện hộ nghèo, thủ tục vay rất thuận lợi, phân kỳ trả nợ dần với lãi suất ưu đãi nên cũng dễ trả. Tôi đã mua 1 con trâu và nó đã sinh thêm 1 con nữa. Nguồn vốn này nói chung rất hiệu quả giúp cho gia đình tôi có việc làm, giúp tăng thêm thu nhập có thể xóa được đói, giảm được nghèo. Sang năm gia đình xin nhận thoát nghèo”.


Bà Nguyễn Thị Hải Ba, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Vì nhìn nhận: Hoạt động tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã tạo ra nhiều việc làm tại chỗ, đảm bảo an sinh xã hội và đặc biệt là hạn chế được nhiều tiêu cực như nạn cho vay nặng lãi.


Trong điều kiện lãi suất tại hệ thống ngân hàng thương mại đang giảm, nhiều hộ vay cũng mong muốn lãi suất của NHCSXH sẽ được điều chỉnh giảm thêm để hỗ trợ khắc phục khó khăn. “Với lãi suất như hiện nay thì gần như “ngang ngửa” với các ngân hàng thương mại, đã là vốn vay ưu đãi thì nên có điều chỉnh giảm lãi suất thấp hơn so với ngân hàng thương mại mới hợp lý”, ông Lê Mạnh Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Sơn đề xuất. Trả lời vấn đề này, một cán bộ NHCSXH chi nhánh Hà Nội cho biết, Hội đồng quản trị NHCSXH đã trình Chính phủ đề nghị hạ lãi suất cho vay ưu đãi xuống thấp hơn nữa.


Đỗ Huyền
Theo baotintuc.vn