Vốn vay ưu đãi, đòn bẩy trong xây dựng NTM ở Sơn La
- Thứ năm - 26/11/2015 02:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giải ngân vốn vay ưu đãi tại các điểm giao dịch xã.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La, Tòng Thị Tươi cho biết: Nhận thức được vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng đối với phát triển nông thôn, xác định công tác phát triển nông thôn là nhiệm vụ có tính chiến lược nhằm nâng cao đời sống của các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là các đối tượng chính sách, thời gian qua, chi nhánh đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân ở nông thôn đều nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của NHCSXH về tín dụng chính sách.
Đồng thời, chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch huyện phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn, đảm bảo 100% nguồn vốn tín dụng chính sách đến được với người nghèo và các đối tượng chính sách, vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số (DTTS). Nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận dễ dàng với mọi nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, đơn vị đã xây dựng hệ thống điểm giao dịch và duy trì giao dịch xã tại 204 xã, phường, thị trấn, chính thức xóa tình trạng “xã trắng” về tín dụng của Nhà nước. Đặc biệt, nguồn vốn ưu đãi cũng ưu tiên đầu tư cho 5 huyện nghèo là Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp thuộc Chương trình 30a và các xã nằm trong vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đến hết tháng 9/2015, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Sơn La đạt 2.553 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt trên 2.527 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo 53,6 tỷ đồng, HSSV hơn 68,8 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) 64,4 tỷ đồng…
Với 14 chương trình tín dụng do đơn vị đang thực hiện, trong đó các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trực tiếp đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh. Các chương trình cho vay hỗ trợ về nhà ở, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn về vay vốn xây, sửa nhà ở, xóa nhà dột nát; chương trình giải quyết việc làm, tạo việc làm cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao chất lượng sống cho bà con.
Đối với chương trình cho vay NS&VSMTNT, các đơn vị trong chi nhánh luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể gắn việc tuyên truyền với chương trình XDNTM; qua đó nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Với mức cho vay 6 triệu đồng/hộ/công trình, mỗi hộ được vay tối đa 12 triệu đồng, đã tạo điều kiện cho người dân xây và cải tạo được trên 11.000 công trình NS&VSMTNT như: Giếng, bể chứa nước, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi... Các công trình này đưa vào sử dụng đã góp phần đảm bảo nước sinh hoạt, giữ gìn môi trường sạch đẹp, nâng cao đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm cũng đã giúp giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động tại địa phương, góp phần để các địa phương đạt tiêu chí về cơ cấu lao động. Nhờ nguồn vốn của NHCSXH, nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất nên đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Có thể nói, việc NHCSXH tỉnh Sơn La chủ động cân đối nguồn vốn, ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, các xã làm điểm NTM không chỉ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn góp sức cùng với Đảng bộ, chính quyền các địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình XDNTM. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, NHCSXH còn gặp nhiều khó khăn như: Đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa tư tưởng còn lạc hậu, nền sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp, du canh du cư, trình độ dân trí thấp không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 38%/tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chưa được thường xuyên và đều khắp, nhất là khu vực đồng bào DTTS, vùng sâu,vùng xa đi lại khó khăn, dân trí thấp chưa thực sự được quan tâm; hộ vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để chăn nuôi gia súc nên hiệu quả vốn tín dụng đầu tư thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bà Tòng Thị Tươi cho biết: Để tiếp tục góp phần thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở dân cư và cơ cấu lao động trong XDNTM, thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động, chú trọng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng, tiếp tục thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới để chuyển nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng. Từ đó giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, có cơ cấu lao động hợp lý để XDNTM hiệu quả tại các địa phương.
Trong tổng số 188 xã tham gia XDNTM của tỉnh Sơn La, hiện đã có một số xã sắp sửa cán đích như: Chiềng Xôm (TP.Sơn La), Mường Giàng (huyện Quỳnh Nhai), Chiềng Ban (huyện Mai Sơn). Khi bắt tay vào thực hiện chương trình, Sơn La mới đạt bình quân 1,62 tiêu chí/xã nhưng đến nay đã đạt 6,2 tiêu chí/xã. |
Phương Linh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn