Vụ lúa hè thu: Nông dân cùng lắm chỉ lãi 14%
- Thứ bảy - 15/06/2013 05:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo kế hoạch, bắt đầu từ 15.6, các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo quyết định của Thủ tướng.
Thu mua nhỏ giọt
Nhiều nông dân tỏ ra lo lắng bởi giá lúa vụ hè thu hiện đang trồi sụt thất thường kèm theo đó là yếu tố thời tiết bất lợi (mưa dầm kéo dài), đầu ra thiếu ổn định khiến bà con lo sốt vó. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa hè thu của toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng trên 230.000ha, với năng suất bình quân từ 5,3 – 5,5 tấn/ha.
Phần lớn nông dân không được hưởng lợi từ việc thu mua tạm trữ vụ hè thu. |
Một thực tế đang diễn ra tại các địa phương khiến nhiều nông dân âu lo là, trước sức ép của nợ nần, tiền vật tư nông nghiệp, lãi suất ngân hàng, tiền vay “nóng” bên ngoài đang cận kề… kèm theo đó là chi phí để tái sản xuất cho vụ mùa tiếp theo, trong khi đó giá lúa lại bấp bênh dao động từ 3.400 – 4.100 đồng/kg (tùy vùng), buộc lòng bà con nông dân phải chạy đôn chạy đáo để tìm thương lái bán lúa mong sớm có tiền. “Giá lúa tươi ngoài đồng mấy ngày qua thương lái chỉ mua với giá từ 3.400-3.600 đồng/kg, người trồng lúa lỗ là cái chắc. Dù giá rẻ, nếu không bán thì biết dự trữ để đâu, bởi không có nơi tồn trữ, phơi sấy”– lão nông Nguyễn Văn Quang ở Châu Thành A, Hậu Giang than thở.
Trong khi người dân có nhu cầu bức thiết để bán lúa tươi ngoài ruộng, nhưng lại gặp nhiều trở ngại bởi các thương lái và doanh nghiệp “õng ẹo” chỉ thu mua nhỏ giọt. Nhiều nông dân trồng lúa phản ánh- giá thấp nhưng muốn bán cũng không dễ. Một số thương lái chỉ đến ngã giá cho qua loa, họ viện dẫn nhiều lý do chê đường vận chuyển khó khăn, lúa không đẹp… Biết bị ép giá nhưng hầu hết bà con phải bấm bụng bán lúa với giá thấp.
“Cùng lắm chỉ lãi 14%”
Ông Lê Văn Đời– Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Hiện nay, diện tích lúa hè thu của tỉnh đã thu hoạch được 15.000/76.000ha, năng suất bình quân 5,7 tấn/ha. Giá lúa dao động từ 3.400 – 3.800 đồng/kg, với giá này nông dân không có lãi, nếu có lãi cũng rất thấp. “Hướng tới đây, cần phải giao cho các doanh nghiệp gắn kết với cánh đồng mẫu lớn để bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân; mặt khác doanh nghiệp nên có đặt hàng cho tỉnh, để từ đó tỉnh khuyến cáo nông dân trồng theo vùng nguyên liệu nhằm định hướng đầu ra bền vững. Doanh nghiệp cứ chạy theo thị trường thì nông dân trồng lúa sẽ gặp khó. Ngoài ra, nên có chính sách tái tạo đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu”– ông Đời kiến nghị.
Ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: “Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 60% trên diện tích 198.000ha toàn tỉnh. Hiện giá lúa tươi đã sụt giảm chỉ còn 3.900 – 4.000 đồng/kg, với cơ chế giá thành này người nông dân lãi cao nhất chỉ khoảng 14%”. Theo ông Sa, việc VFA chậm triển khai mua tạm trữ, khiến một lần nữa hơn 60% nông dân trong tỉnh lại không được hưởng chính sách này.
“Địa phương mong muốn VFA phối hợp với tỉnh, lựa chọn, phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp mà tỉnh thấy có đủ năng lực thật sự và ưu tiên cho các doanh nghiệp này xuất khẩu theo các hợp đồng tập trung chứ không làm theo kiểu “ưu ái” như trước đây (tạm trữ giao cho doanh nghiệp này nhưng xuất khẩu lại giao cho doanh nghiệp khác)” - ông Phan Kim Sa bức xúc.
Lãnh đạo nhiều địa phương còn kiến nghị rằng, thời điểm triển khai thu mua phải dựa trên cơ sở của từng địa phương cho phù hợp, không thể lấy một mốc thời điểm bình quân chung rồi triển khai áp dụng cho toàn vùng ĐBSCL như thời gian qua là không hợp lý. Nên giao việc thu tạm trữ về cho tỉnh, tỉnh sẽ dựa trên lịch xuống giống của địa phương để quyết định thời điểm tạm trữ phù hợp, có lợi cho nông dân. Đồng thời, từng bước nâng cao mức tạm trữ lúa, vì lúa bảo quản được dài ngày và tạm trữ lúa sẽ cái thiện được chất lượng gạo trong quá trình xay xát.
UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khó khăn trong sản xuất tiêu thụ lúa, gạo vụ hè thu năm 2013. Theo công văn này, việc phân bổ chi tiêu xuất khẩu đối với các hợp đồng tập trung nên công khai, minh bạch, tránh tình trạng một số doanh nghiệp có phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ nhưng không được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu đối với các hợp đồng tập trung.
Không thể “chiều” được từng địa phương
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, mua tạm trữ như một biện pháp hỗ trợ thị trường chứ không phải là bao tiêu nông sản cho nông dân vào thời điểm thu hoạch rộ nhất và có tác động hiệu quả nhất. Vì thế, việc này không thể phù hợp với một số địa phương ở ĐBSCL. Như ở Đồng Tháp, hiện đã thu hoạch khoảng 70% diện tích lúa hè thu, nhưng tỉnh Bến Tre thì mới bắt đầu xuống giống, trong khi tỉnh Hậu Giang thu hoạch 10% diện tích lúa hè thu thì tỉnh An Giang mới bắt đầu thu hoạch, tỉnh Tiền Giang thu hoạch hết lúa xuân hè và đang bắt đầu xuống giống lúa hè thu, nên không thể nào có một chương trình đáp ứng tất cả các địa phương. Ông Phát cho biết: “Chúng tôi cân nhắc, tại sao chúng tôi đề xuất mua từ ngày 15.6 cho đến ngày 31.7 là bởi vì, trong tháng 6, ĐBSCL sẽ thu hoạch 900.000 tấn, tháng 7 là 3,7 triệu tấn và tháng 8 là 3,8 triệu tấn lúa. Vì thế, có những diện tích bây giờ mới xuống giống, nên chúng tôi mới đề xuất cân nhắc là như thế để tác động, hỗ trợ thị trường. Sau ngày 31.7, tùy theo diễn biến của thị trường chúng tôi sẽ cùng với các bộ tiếp tục nghiên cứu để có những đề xuất, các giải pháp phù hợp”.
Lê Hân (ghi)
Đức Khánh (DANVIET.VN)