Vựa rau an toàn Đặng Xá
- Thứ hai - 20/05/2019 00:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trồng rau trong nhà lưới hạn chế sâu bệnh |
Xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm được coi là một trong những vựa rau an toàn lớn của thành phố Hà Nội. Trung bình mỗi ngày địa phương này đã sản xuất và cung ứng cho người tiêu dùng các quận nội thành khoảng 15 tấn rau ăn lá và rau ăn quả các loại, cao điểm có thể lên tới 100 tấn/ngày (chủ yếu vào những tháng mùa đông).
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ nhiệm HTX DVNN Đặng Xá cho biết: Tổng diện tích canh tác rau hàng năm của xã ước đạt 250ha, trong đó có 150ha chuyên rau, còn lại khoảng 100ha rau được sản xuất theo mùa vụ, chủ yếu trồng luân canh, xen canh gối vụ với các cây lương thực và cây trồng hàng năm khác.
Được coi là vựa rau an toàn là do trong nhiều năm qua địa phương luôn được các cơ quan, đơn vị như Viện Nghiên cứu Rau quả, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các cấp ngành chuyên môn của thành phố Hà Nội, quan tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và trình diễn mô hình thâm canh rau VietGAP. Trình độ canh tác rau của nhà nông ở đây có thể ví như những công nhân lao động lành nghề bậc cao. Ý thức trồng rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân cũng đã trở thành nề nếp.
“Tốc độ đô thị hoá ở Gia Lâm đang diễn ra rất nhanh. Vì vậy sự tồn tại một vùng chuyên canh rau lớn như Đặng Xá được coi là của hiếm trong huyện. Đây là lý do chính giúp xã Đặng Xá luôn được nhiều cơ quan cơ quan, đơn vị tới chuyển giao kỹ thuật, trình diễn kết quả nghiên cứu khoa học trên đối tượng rau quả các loại” – ông Khanh cho biết thêm.
Đi thăm một số xứ đồng chuyên rau ở Đặng Xá chúng tôi thấy: Hầu hết các loại rau mẫn cảm cao với sâu bệnh, rau trồng trái vụ và rau có sâu hại dễ kháng thuốc bảo vệ thực vật như cải canh, cải ngọt, đậu đũa, rau ngót... đều được trồng trong nhà màng, nhà lưới. Các loại rau ít mẫn cảm với sâu bệnh hại, rau có khả năng bóc/gọt/lột bỏ vỏ như rau bí, rau dền, rau đay, mồng tơi, bí xanh, bầu, mướp, cà pháo, cà bát, cà tím... chủ yếu trồng ở ngoài tự nhiên.
Bà Nguyễn Thị Chung là chủ hộ chuyên canh rau ở thôn Đổng Xuyên khẳng định: “Ở đâu đó có hiện tượng "lợn 2 chuồng rau 2 luống" chứ ở Đặng Xá chúng tôi thì không. Làm như vậy là lừa dối người tiêu dùng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục Nhà nước cho phép chẳng những huỷ hoại sức khoẻ cộng đồng người đang sống, mà còn làm suy thoái tương lai giống nòi”.
Cũng theo bà Chung, để chọn nhanh loại thuốc trừ sâu bệnh được phép sử dụng trên cây rau an toàn trước hết phải xem có băng vạch màu xanh lá cây trên bao bì (độc rất nhẹ) hay băng vạch xanh trên bao bì màu da trời (ít độc) hay không, sau đó mới xem xét những hướng dẫn khác. Riêng với các thuốc trên bao gói có băng vạch màu đỏ (rất độc) hoặc băng vạch màu vàng (độc trung bình) là quên luôn.
Với bộ dạng tất tưởi trong vai người đi mua thuốc trừ sâu cho rau, chúng tôi đã khảo sát qua một vài đại lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn Đặng Xá cho thấy chủng loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, hoá học (ít độc và rất ít độc) được bày bán khá phong phú... Để thêm phần chắc chắn chúng tôi đã tiến hành xem lại các vỏ bao thuốc BVTV trong các bể gom rác thải trên đồng. Kết quả thu được cũng vẫn đều là những chủng loại thuốc đã bày bán ở các cửa hàng nói trên.
Ông Nguyễn Văn Khuê ở thôn Hoàng Long (trong xã) tâm sự: “Từ bao đời nay người dân địa phương chúng tôi vẫn chủ yếu sống nhờ vào nghề trồng rau. Nếu sử dụng thuốc có độ độc cao phun cho rau, thì người sản xuất sẽ bị ảnh hưởng trước nhất. Đây chính là động lực thúc đẩy các hộ tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng VietGAP.”
Ngoài sản xuất rau các loại, còn có nhiều hộ đứng ra làm đầu mối bao tiêu nông sản cho người dân trong xã và vùng phụ cận. Qua đó đã giúp cho nghề trồng rau của địa phương phát triển bền vững", ông Nguyễn Tuấn Khanh. |