Vườn mẫu làm đòn bẩy

Vườn mẫu làm đòn bẩy
Sau khi hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã triển khai “tiêu chí thứ 20” gồm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, HTX nông nghiệp kiểu mẫu, đoạn đường kiểu mẫu và vườn kiểu mẫu.

Trong tiêu chí đặc biệt này, huyện đang rất quan tâm đến việc xây dựng những khu vườn mẫu để làm đòn bẩy phát triển kinh tế hộ…

16-03-17_nnvn__1-_vuon_cy_n_qu
Vườn mẫu cây ăn quả.

Để cho người dân “mắt thấy, rai nghe” về xây dựng vườn mẫu, năm 2017, Lệ Thủy đã tổ chức cho cán bộ và nhân dân đi tham quan, học tập các mô hình vườn mẫu ở tỉnh bạn. Sau đó, Văn phòng điều phối NTM đã tham mưu cho UBND huyện trong việc lựa chọn một số vườn kiểu mẫu để triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Vườn kiểu mẫu phải đạt 5 tiêu chí khung là: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản phẩm từ vườn bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường cảnh quan và tiêu chí cuối cùng là thu nhập”.

Khởi đầu trong xây dựng vườn mẫu, huyện đã chọn 10 hộ gia đình có diện tích trên 300m2 đối với vùng giữa và trên 500m2 đối với các vùng khác để triển khai thí điểm. Các hộ gia đình xây dựng vườn mẫu đều được Văn phòng điều phối NTM cử cán bộ phụ trách đến hướng dẫn, bắt tay cùng làm với nhân dân.

Đến nay, toàn huyện Lệ Thủy đã xây dựng hoàn thành 5 vườn mẫu cấp huyện. Trong đó, xã Mai Thủy có 2 vườn, các xã Cam Thủy, Hoa Thủy và Trường Thủy mỗi xã có 1 vườn. Các vườn mẫu này bước đầu đã mang hiệu quả kinh tế cao, cảnh quan đẹp, bảo đảm các tiêu chí. Cả 5 hộ dân sau khi hoàn thành xây dựng vườn mẫu đều được huyện thưởng cho 15 triệu đồng.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hoàng Đại Vương (thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy) là người có vườn mẫu rộng 7.500m2 đạt chuẩn đầu tiên. Để xây dựng vườn mẫu, ông được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 165 cây cam mật và một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong 2 năm đầu. Phòng NN-PTNT huyện cũng đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ông quy trình thâm canh cây ăn quả.

Qua 4 năm chăm sóc, vườn cam của ông đang phát triển rất tốt, quả ra nhiều và hứa hẹn cho thu nhập cao vào cuối năm nay. Trong vườn ông còn trồng nhiều loại cây ăn quả khác, như bưởi, ổi, chanh, xoài, vú sữa. Ngoài ra, ông Vương còn đầu tư nuôi 50 cặp bồ câu, hàng chục con gà thả vườn. Toàn bộ các cây ăn quả trong vườn, ông đều áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động và phủ một lớp rơm lên để giữ ẩm cho đất.

Lệ Thủy đang lên kế hoạch xây dựng thêm các khu vườn mẫu. Theo dự kiến đến cuối năm 2019, huyện sẽ có khoảng 50 vườn mẫu cấp huyện. Đặc biệt, UBND huyện Lệ Thủy đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình vườn mẫu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở bản Khe Sung (xã Ngân Thủy). Theo đó, huyện sẽ tổ chức triển khai thực hiện xây dựng 4 vườn mẫu. Các vườn sẽ được hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc để sản phẩm người dân làm ra có chất lượng, tiêu thụ nhanh.

Vừa đi thăm vườn, ông Vương vừa tâm sự: “Được công nhận vườn mẫu là một niềm tự hào của gia đình và cũng là động lực để tôi chăm sóc cây cối trong vườn tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Định hướng của tôi là đưa các loại trái cây chất lượng, an toàn ra thị trường”.

Với mô hình vườn mẫu này đã cho gia đình ông Vương thu nhập mỗi năm gần 30 triệu đồng. Đến cuối năm nay, vườm cam mật trĩu qủa của ông cũng sẽ cho thu hoạch và chắc chắn sẽ mang lại nguồn thu nhập cao.

Về xã Cam Thủy, hỏi vườn mẫu thì ai cũng biết đến gia đình chị Hoàng Thị Lê, ở thôn Hòa Tân. Ấn tượng đầu tiên khi đến thăm khu vườn mẫu là “hàng rào kinh tế”. Bởi hàng rào này được chị đổ móng, xây tường lên khoảng 0,8m rồi căng lưới B40.

Bên cạnh hàng rào, chị trồng các loại cây leo, như mướp đắng, mướp ngọt, gấc, hoa thiên lý nên hàng rào lúc nào cũng xanh tươi.

Hai bên lối đi từ cổng vào tới sân nhà chị làm giàn mướp cao khoảng 3m, rộng 2,5m đủ để xe tải vào trong vườn mua thực phẩm. Khu vườn bên trong có diện tích 1.500m2 chị đầu tư trồng các loại rau.

Chị Lê kể: “Trước đây, hàng rào nhà tôi trồng tre rất rậm rạp. Còn trong vườn chủ yếu là trồng chuối và một số loại rau đủ đáp ứng thực phẩm cho gia đình. Nhưng từ khi có chủ trương xây dựng NTM, tôi đã tự giác phá tre để làm “hàng rào kinh tế”.

Đồng thời phá luôn vườn chuối để trồng các loại rau sạch theo hướng dẫn của cán bộ. Nhờ mang thương hiệu vườn mẫu nên các loại rau quả tôi sản xuất được thương lái đến tận nhà mua hết”.

16-03-17_nnvn__2-_sn_phm
Sản phẩm từ vườn mẫu rau sạch.

Từ khi chuyển qua trồng rau theo quy trình vườn mẫu, thu nhập của gia đình chị Lê đã tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng 6 tháng mùa rau (từ tháng 10 năm này đến tháng 4 năm sau) chị đã có thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Những tháng còn lại chị tập trung trồng mướp, hoa thiên lý cũng cho thu nhập thêm mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng.

Đánh giá về xu thế phát triển vườn mẫu trên địa bàn, ông Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết: “Hiện xã có 1 vườn mẫu cấp huyện đã hoàn thành và 1 vườn mẫu cấp tỉnh, 4 vườn mẫu cấp xã đang được đầu tư xây dựng và dự kiến hoàn thành cuối năm 2019. Sau khi hoàn thành 6 vườn này, xã sẽ tiếp tục rà soát để xây dựng thêm nhiều vườn mẫu các cấp để tiến tới xây dựng khu dân cư kiểu mẫu”.Box

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “Việc xây dựng các khu vườn mẫu ở huyện Lệ Thủy sẽ góp phần tạo nên cảnh quan vùng nông thôn đẹp hơn. Giá trị kinh tế, thu nhập từ sản phẩm nông nghiệp của bà con được nâng cao nhờ được áp dụng khoa học kỹ thuật…”.

Theo Tâm Phùng/nongnghiep.vn