Vươn xa bằng công nghệ cao

Vươn xa bằng công nghệ cao
Có truyền thống sản xuất lâu đời nhưng Việt Nam cần làm mới nông nghiệp bằng những ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất. Theo thống kê chưa đầy đủ, gần một năm qua, doanh nghiệp đã rót hơn 20 nghìn tỷ đồng vào nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, đây chưa phải là câu chuyện phổ biến.

Xu hướng tất yếu

Gần 2 năm trước, bà Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam tham dự một diễn đàn liên kết doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ câu chuyện của chính nước mình - quốc gia nổi tiếng với nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển từ những mảnh đất cằn cỗi, bà nói rằng: “Ở một đất nước với 70% dân số tham gia hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành liên quan, các bạn không thể cầm cự nếu thiếu đi những hoạt động khởi nghiệp và đổi mới trong nông nghiệp...”


Cho đến nay, ngành nông nghiệp đã xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập; là giải pháp mạnh, hiệu quả trong tái cơ cấu ngành. Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Bộ NN - PTNT Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh và giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Các bài học kinh nghiệm của Israel cho thấy, một héc ta cà chua áp dụng công nghệ cao cho 250 - 300 tấn/năm, trong khi với phương thức sản xuất truyền thống của nước ta chỉ đạt 20 - 30 tấn. Cũng như vậy, một héc ta hoa hồng ở nước ta chỉ cho khoảng 1 triệu cành với doanh thu 50 – 70 triệu đồng/năm thì ở Israel con số tương ứng là 15 triệu cành chất lượng đồng đều và hiển nhiên doanh thu cũng cao hơn. Không những vậy, ứng dụng khoa học công nghệ cao còn giúp nhà sản xuất tiết kiệm chi phí như nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và do đó góp phần bảo vệ môi trường.

Người dân xã Khánh Thành, Yên Khánh, Ninh Bình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây nông sản có giá trị kinh tế cao
Ảnh: Lâm Hiển

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương chuẩn bị những điều kiện cần thiết để mở rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, lựa chọn các sản phẩm thế mạnh, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho ứng dụng khoa học - công nghệ. Đặc biệt, từ khi ngành nông nghiệp thực hiện Đề án tái cơ cấu và sau “Diễn đàn xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, đã xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và rót hàng nghìn tỷ đồng đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty Dabaco, Công ty Thái Dương, Công ty Marphavet, Công ty CP Thủy sản Trung Sơn, Công ty Tôm Việt - Úc, Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung... Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 6.2016 đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần diện tích rộng và thời hạn sử dụng đất lâu dài để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa nhưng hiện nay doanh nghiệp rất khó tích tụ ruộng đất. Nhà nước chưa có chế tài bảo đảm sự tuân thủ hợp đồng giữa doanh nghiệp và người dân khi liên kết. Và mặc dù có nguồn vốn dành cho nông nghiệp công nghệ cao, song thủ tục để được vay vốn còn phức tạp. Nhu cầu về công nghệ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp vô cùng lớn, tuy nhiên việc chủ động đầu tư nghiên cứu và liên kết với các nhà khoa học để phát triển công nghệ còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, thiếu chính sách bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với chi phí đầu tư lớn.

Vai trò chủ lực của doanh nghiệp

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay cách tiếp cận với công nghệ cao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn đơn giản so với nhiều nước trên thế giới. Các doanh nghiệp cũng chỉ mới áp dụng được nhà màng, các thiết bị cải tiến môi trường bên trong, sử dụng cây giống sạch, cây giống cấy mô, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hơn so với trước đây. Nếu Việt Nam mở rộng và nâng cao ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nông dân, doanh nghiệp.


Để nông nghiệp công nghệ cao phát triển ổn định, nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ đạt hiệu quả cao nhất thì phải có doanh nghiệp đầu tàu tìm kiếm và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là hình thức liên kết chuỗi mà doanh nghiệp và nông dân đã thực hiện. Tuy nhiên, với chương trình này, nông dân cần áp dụng công nghệ cao thay vì sản xuất thủ công như trước đây.

Tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017 mới đây, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ, thông qua mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng của Chính phủ sắp triển khai sẽ được đầu tư ngược lại cho nông dân trang bị thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, muốn dòng tiền này đi đúng hướng, Chính phủ phải dựa trên các dự án cụ thể với những thông tin rõ ràng về thị trường, sản phẩm, số hộ dân tham gia sản xuất sản phẩm cùng loại, quy trình công nghệ sẽ được đầu tư áp dụng. Mỗi dự án phải có lợi cho thị trường, nông dân, tạo việc làm, khuyến khích người dân tham gia sản xuất trên chính mảnh ruộng của mình… “Không những vậy, Chính phủ cần thành lập Ban chỉ đạo để xem xét và phê duyệt tính khả thi của từng dự án, từ đó tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng điều động vốn cho phù hợp từng dự án, quy hoạch các sản phẩm để đảm bảo không sản xuất tràn lan, đại trà, làm giảm giá trị, ảnh hưởng đến nông dân. Có như vậy mới giúp nền nông nghiệp Việt Nam vươn xa hơn nữa”, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Theo Vũ Hương - Cao Sơn/daibieunhandan.vn