Trước đây, ở 3 thôn: Nghè Mản, Đá Húc, Suối Mản, với 100% đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh phải đi xa 9-10km để đến trường học ở trung tâm xã. Vì đường xa, nhiều em đã bỏ học. Năm 2012, cấp trên quyết định xây trường học cho cụm 3 xã này. Vấn đề đặt ra là, xây trường học ở chỗ nào? Các CCB "nổ phát súng" xung kích hiến đất, dân làng làm theo. Và như vậy địa phương có khu đất rộng hơn 8.000m2, địa thế phù hợp, dành xây trường học, không phải đền bù một đồng nào.

Thôn Cống Thuận làm nhà văn hóa trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Các CCB hồi tưởng những trận đánh năm xưa, trước tiên phải giải quyết "cửa mở". Chi hội trưởng CCB đã thay mặt anh em đề nghị lãnh đạo thôn "Cho chúng tôi "xin" cái móng" (nhận làm phần móng). Vậy là, những bàn tay chai sạn từng đào công sự, đắp bệ pháo tiêu diệt kẻ thù, nay lại đào sỏi, đập đá, trộn bê-tông, làm chân, làm bệ cho công trình nhà văn hóa trên quê hương. Có móng nhà rồi, bà con hân hoan góp sức, góp tiền. Nhà văn hóa hoàn thành với chất lượng tốt. Nhân dân bảo nhau: Nhờ các CCB "đắp móng xây nền".

Các CCB trao đổi kỹ thuật trồng cây ăn quả tại vườn của gia đình CCB Vũ Văn Sơn. 

 

CCB ở hai thôn Bình Giang, Đồng Bản nêu gương, cùng bà con hiến đất làm đường giao thông, làm mương nội đồng. Đường, mương đi qua ruộng vườn nhà ai, nhà ấy tự nguyện hiến đất. Tổng số đất hiến toàn xã lên tới hàng vạn mét vuông. Xã không phải đền bù, có thêm kinh phí để thực hiện các nội dung dân sinh thiết thực khác.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Sơn được nâng cấp từ năm 2010, đã sụt lún, xuống cấp. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, lãnh đạo xã chỉ đạo chỉnh trang tôn tạo. Hội CCB xã phối hợp với Đoàn thanh niên làm chủ công thực hiện. Nhờ đó, toàn bộ 144 phần mộ liệt sĩ được sửa sang chu đáo, có bát hương và hoa bằng nhựa. Cũng trong dịp này, Hội CCB xã Bình Sơn tổ chức, mời đồng chí nguyên Bí thư Đảng ủy xã, người am hiểu lịch sử, nói chuyện truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và lịch sử truyền thống xã Bình Sơn anh hùng, phục vụ cán bộ và thanh-thiếu niên toàn xã, được lãnh đạo xã hoan nghênh và đưa vào thành chủ trương thực hiện đều đặn hằng năm. Cùng đội ngũ cán bộ xã, Hội CCB Bình Sơn "miệng nói tay làm", chỉ đạo các chi hội tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách với tình cảm chân thành, nồng ấm.

Hầu hết CCB xã Bình Sơn sau khi xuất ngũ, trở về xây dựng gia đình và quê hương, đều thiếu thốn, khó khăn. Nhưng họ không cam phận, không chờ đợi vận may, mà quyết chiến thắng đói nghèo, như đã từng thắng giặc ngoại xâm. Phong trào "Đua tài xóa đói giảm nghèo" ra đời, là một trong những hoạt động thu hút đông đảo CCB trong xã. Các CCB phân tích rõ thế mạnh từ chất đất, khí hậu, thổ nhưỡng và giá trị kinh tế của các sản phẩm từ đất ở vùng bán sơn địa này; từ đó mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, cho năng suất và chất lượng cao, theo hướng sản xuất hàng hóa. Điển hình như các thương binh-CCB: Nguyễn Ngọc Khảm ở thôn Bãi Đá, Vũ Văn Sơn ở thôn Cống Thuận... đã vượt khó, tìm tòi, chủ động, sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật, đi sâu nghiên cứu những loài cây có múi, trở thành những "vua cam", "vua bưởi" trong vùng; thu lãi hằng năm hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Phú, nguyên Ủy viên Thường vụ, Chi hội trưởng CCB thôn Tân Bình, nhờ tích cực làm vườn, chăn nuôi, đã mua được xe ô tô du lịch, trị giá tiền tỷ… Các CCB xã Bình Sơn cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình, phấn đấu không còn hộ CCB đói nghèo, góp phần đưa quê hương Bình Sơn ngày một mạnh giàu.

Với "mái nhà chung CCB Bình Sơn", những người lính từng góp máu xương, sức lực và trí tuệ trong kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng đất nước năm xưa, nay lại chung tay phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên quê hương Lục Nam anh hùng.

Theo Mỹ Trang/qdnd.vn