XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở ĐBSCL Bài học từ công cuộc khẩn hoang vùng tứ giác Long Xuyên

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở ĐBSCL Bài học từ công cuộc khẩn hoang vùng tứ giác Long Xuyên
Hơn 20 năm khai thác, những thành công của vùng tứ giác Long Xuyên đã được nhiều nhà khoa học, ngành hữu quan công nhận. Thành công này chính là bài học, kinh nghiệm quý báu cho vùng ĐBSCL cũng như cả nước đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới đã và đang triển khai một cách mạnh mẽ như hiện nay…

Những quyết sách táo bạo, đột phá

 

Cùng với việc chăm lo, ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã và đang đẩy mạnh vận động người dân xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Làm lộ giao thông nông thôn ở xã Tây Phú. Ảnh: T.LONG 

Hơn 20 năm qua, có thể khẳng định nhiều chủ trương, chính sách mới, sáng tạo của Nhà nước, của các địa phương đóng vai trò chủ đạo cho thành công của quá trình khai thác và phát triển vùng TGLX. Ông Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh An Giang, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: "Vận dụng các chủ trương của Đảng và Nhà nước và điều kiện thực tiễn của địa phương lúc bấy giờ, tỉnh An Giang đã có nhiều chủ trương và giải pháp đột phá để khai hoang, phục hóa, giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất. Những chính sách này khác hẳn với cách làm cũ không có hiệu quả cao như chủ trương đưa dân đi kinh tế mới trước đây mà chủ yếu là những giải pháp "dụ dân" tự nguyện tham gia việc khai thác vùng TGLX bằng chính sức lao động, khả năng của họ với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước". Đó là: chính sách giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất (1988); chính sách giao đất cho hộ nông dân và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1987; chính sách "nhường cơm xẻ áo"; chính sách quản lý, khai thác và sử dụng đất đai (1988); chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân (1990); chính sách vận động thành lập các hình thức hợp tác đơn giản trong sản xuất nông nghiệp (1991)…

 

Trong các chính sách của Nhà nước, dấu ấn rõ nét nhất là các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển Tây gắn liền với tên tuổi của người đứng đầu lúc bấy giờ là cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Ông là người khởi xướng và để cả nhiệt tình, tâm huyết vào công trình. Bởi, theo các đồng chí nguyên là lãnh đạo 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang, thời gian đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành nhiều thời gian đi khảo sát thực địa, chủ trì nhiều cuộc tranh luận, hội thảo khoa học và đã đi đến quyết định mang tính đột phá và táo bạo là đào các hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây để rửa phèn, lấy nước ngọt khai thác vùng TGLX. Đây được coi là một quyết sách sáng suốt và đầy trách nhiệm của Chính phủ thời kỳ đó. Bởi nó đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện vùng đất phèn TGLX của ĐBSCL… Sau thời kỳ khó khăn, nước ngọt đã được dẫn về, lúa 2 – 3 vụ, hoa màu, cây ăn trái… đã từng bước lấn dần cỏ dại, đồng hoang. Cũng nhờ các con kênh, đường sá được mở mang, thị trấn, thị xã, bệnh viện, trường học được xây dựng… làm nền tảng căn bản cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển.

Những cơ chế, chính sách, giải pháp mang tính đột phá nói trên luôn gắn liền với sự lãnh đạo và sự điều hành năng động, "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" của đảng bộ và các cấp chính quyền trên cơ sở quán triệt các chủ trương, đường lối nghị quyết của trung ương và địa phương của vùng TGLX. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp chính quyền địa phương luôn luôn xuất phát từ quan điểm vì lợi ích của dân, phát huy tính tự nguyện tự giác, năng động sáng tạo của người dân. Trong lãnh đạo điều hành luôn bám sát thực tiễn, có những chủ trương, giải pháp linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Lấy dân làm gốc

Tây Phú là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Thời gian qua, bằng nhiều nỗ lực, chính quyền xã luôn quan tâm phát triển sản xuất, chăm lo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo có hiệu quả. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Tây Phú luôn triển khai có hiệu quả chương trình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" đạt trên 95% diện tích sản xuất lúa của toàn xã, năng suất lúa đạt 18,5 tấn/ha/năm. Cũng trong khoảng thời gian này, xã vận động nông dân trên 3 tỉ đồng để đầu tư xây dựng trạm bơm điện, xây cầu sắt, lót đal, rải cát sân trường học… Ông Lê Văn Đà, Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho biết: Kết quả khả quan trong phát triển kinh tế, xã hội là nhờ được người dân đồng tình ủng hộ. Theo đó, các chủ trương đề ra từng giai đoạn luôn kịp thời với nguyện vọng của đại đa số nhân dân, đảm bảo với quá trình thực tế tại địa phương. Phải làm rõ mục đích của các chủ trương là phục vụ lợi ích trực tiếp cho vùng nông thôn và người nông dân.

Theo ông Lê Văn Đà, quá trình này cũng không phải là đơn giản. Bởi như ông kể, năm 1988, ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, xã Tây Phú đề nghị và được cấp trên đầu tư múc 9 tuyến kinh cấp 2 (rộng 12 mét, sâu 3 mét) dài hơn 35km để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, tăng từ 1 vụ lúa lên 2 vụ lúa và giao thương của người dân. Giai đoạn này, toàn bộ hệ thống chính trị xã tập trung công tác tuyên truyền, vận động nông dân xóa tập quán trồng cây lúa mùa nổi, năng suất thấp để chuyển sang trồng lúa 2 vụ, tăng năng suất, tăng sản lượng, đem lại thu nhập cao. Tuy nhiên, một bộ phận nông dân chưa tin tưởng vào việc chuyển vụ nên gây nhiều khó khăn cho việc tổ chức sản xuất. Dù vậy, lãnh đạo xã Tây Phú vẫn mạnh dạn đưa nhiều giải pháp thuyết phục và tiến hành sản xuất thí điểm cho nông dân thấy. Thành công từ mô hình thí điểm (ban đầu là 100 ha, rồi nhân lên trên 200ha) nên ngày càng nhiều nông dân ủng hộ. Không chỉ vậy, quá trình tổ chức sản xuất thực hiện đào, múc kinh mương nội đồng để phục vụ bơm tưới… phát sinh nhiều vấn đề như: hoán đổi vị trí đất, mất đất sản xuất của một số hộ nông dân… nên nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện. Trước tình hình này xã thành lập Ban hòa giải để giải quyết quyền lợi ruộng đất giữa chủ cũ, chủ mới, quyền lợi người mất đất do múc kinh… Lãnh đạo xã đã áp dùng nhiều giải pháp linh hoạt như: trả thành quả lao động (người có nhu cầu giữ đất để canh tác thì phải trả cho chủ cũ từ 15-30 giạ/công và ngược lại), người mất đất do múc kinh thì chia sẻ giữa các hộ có đất trong vùng hưởng lợi trên cơ sở tính bình quân phân bổ một phần để cấp lại đất cho người bị mất đất… Ông Lê Văn Đà, Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho biết: Với chủ trương đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân nên trong một thời gian ngắn xã Tây Phú đã giải quyết cơ bản rất nhiều trường hợp khiếu kiện về đất đai, dần dần tạo ổn định trong sản xuất.

Nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân

Câu chuyện của xã Tây Phú huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang là bài học từ việc giải quyết những vấn đề tranh chấp đất đai, ổn định sản xuất từ thời "mở cỏi". Nhưng, cốt lõi để phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn là không ngừng nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân, để sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả.

Ông Trần Đình Triệu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: Cơ sở hạ tầng nông nghiệp ngày càng hoàn thiện là cơ sở quan trọng để sản xuất nông nghiệp phát triển. Nhưng, làm sao đào tạo được đội ngũ nông dân biết nắm vững và đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hiểu đất cần gì, cây trồng vật nuôi cần gì… thì mới có thể khai thác tối ưu sự đầu tư. Chính vì vậy, từ những năm 90 của thế kỷ trước, hàng loạt chương trình như: khuyến nông, khuyến công, liên kết "4 nhà", "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"… được các địa phương vùng TGLX triển khai một cách bài bản và căn cơ đến với người nông dân. Đặc biệt, những năm gần đây, chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân xây dựng thành công mô hình cánh đồng lớn (CĐL) trong trồng lúa. Chính việc ứng dụng sản xuất tập trung theo mô hình đã tạo điều kiện phát huy hiệu quả "liên kết 4 nhà", thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo và tăng thu nhập cho nông dân. Điển hình là ở Tổ hợp tác sản xuất Khiết Tâm, ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh. Vụ đông xuân năm 2011-2012, được sự vận động của chính quyền địa phương, 23 thành viên của Tổ hợp tác sản xuất Khiết Tâm sản xuất theo mô hình CĐL với 75ha – gọi là CĐL ấp D2. Trong đó, có 18 thành viên, diện tích khoảng 50 ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP. Vụ đầu tiên, nông dân trong mô hình lãi khoảng 33,5 triệu đồng/ha, những hộ sản xuất đạt theo Global GAP mức lãi tăng thêm 8-12%. Nông dân ngoài mô hình đạt lợi nhuận khoảng 16,8 triệu đồng/ha. Đến vụ hè thu, nông dân trong mô hình lãi gần 10,5 triệu đồng/ha, ngoài mô hình lãi khoảng 5,8 triệu đồng/ha. Kết quả khả quan này, anh Nguyễn Ngọc Huấn, thành viên ban quản lý CĐL ấp D2, thích thú: "Là dân cố cựu ở vùng này, điều tôi không thể ngờ tới là mô hình đã làm thay đổi lớn suy nghĩ của người dân về sản xuất. Trước đây, người dân nghĩ không có giống nào có thể thay thế giống OM 2517 nhưng nay đã có nhiều người mạnh dạn thay đổi giống. Trước đây, đại bộ phận người dân không sạ thưa vì cho rằng sạ thưa không thể cho năng suất cao, còn sạ hàng thì không thể. Nhưng nay, phần lớn nông dân đã giảm lượng giống xuống còn 120-150kg/ha và nhiều hộ còn mạnh dạn sử dụng dụng cụ sạ hàng…".

Để gia tăng hiệu quả sản xuất, nhiều năm qua, các địa phương trong vùng TGLX không ngừng đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất cho người nông dân. Đặc biệt, ngày nay, nhiều địa phương trong vùng TGLX mạnh dạn đưa internet về nông thôn nhằm từng bước nâng "trí thức hóa nông dân" góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

(Còn tiếp)
Nguồn:baocantho.com.vn