XÂY DỰNG THÀNH CÔNG NÔNG THÔN MỚI Không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước

Xã An Châu (Đông Hưng) đầu tư làm đường giao thông. Ảnh: Ngọc Linh

Xã An Châu (Đông Hưng) đầu tư làm đường giao thông. Ảnh: Ngọc Linh

Xây dựng thành công nông thôn mới (NTM) hay không không hoàn toàn phụ thuộc vào "lượng" ngân sách Nhà nước hỗ trợ, mà điều quan trọng và có giá trị hơn cả vẫn là nhận thức, là trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; là tính sáng tạo, linh hoạt và khả thi trong các giải pháp triển khai thực hiện của mỗi địa phương.
Từ khi tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), vấn đề được đề cập đến nhiều nhất ở hầu hết các xã, các huyện và ngay cả trong các cuộc họp của tỉnh là "lượng" kinh phí hỗ trợ để xây dựng NTM còn ít nên khó làm, cụ thể như hỗ trợ về quy hoạch, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, giao thông nội đồng... dẫn đến tiến độ xây dựng NTM chậm. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế của nhiều xã còn khó khăn nhưng tiến độ thực hiện khá nhanh, kết quả đạt được rất khả quan, mặc dù cũng vẫn cơ chế chính sách hỗ trợ ấy, vẫn những đầu việc như nhau. Thực tế ấy cho thấy, xây dựng thành công NTM hay không không hoàn toàn phụ thuộc vào "lượng" ngân sách Nhà nước hỗ trợ, mà điều quan trọng và có giá trị hơn cả vẫn là nhận thức, là trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; là tính sáng tạo, linh hoạt và khả thi trong các giải pháp triển khai thực hiện của mỗi địa phương.
       
Tại cuộc họp mới đây, đồng chí Phạm Văn Sinh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã thẳng thắn chỉ rõ: Những ý kiến cho rằng mức hỗ trợ của tỉnh là ít nên khó làm đều xuất phát từ nhận thức không đầy đủ về xây dựng NTM, còn mang nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại ngân sách cấp trên; lãnh đạo cơ sở chưa tích cực và thiếu giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện.
 
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngày 20/4/2012, đồng chí Vũ Văn Ninh - Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng đã khẳng định: Các địa phương làm tốt việc xây dựng NTM đều không phụ thuộc vào tỉnh giầu hay nghèo, quan trọng đó là cách làm; 11 xã điểm của Trung ương trong thời gian qua làm rất tốt, nhưng không phải do Trung ương hỗ trợ nhiều vốn.
 
Tại chính hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết: Năm 2011 - năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã cân đối ngân sách dành trên 1.500 tỷ đồng, nhưng hiệu quả chưa đạt được yêu cầu đề ra. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về xây dựng nông thôn mới của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ cơ sở cũng như quần chúng nhân dân. Bởi vậy, sau khi triệu tập cuộc họp cán bộ từ tỉnh đến các thôn, làm rõ vai trò chủ thể của người dân; làm rõ trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền cũng như các đoàn thể; làm rõ nội dung, ý nghĩa của việc "chung sức xây dựng nông thôn mới", Quảng Ninh đã khơi dậy được sức mạnh cộng đồng, phát động phong trào toàn dân tự nguyện, tự giác hiến đất, hiến công… tạo khởi sắc mới cho nhiều vùng nông thôn đất mỏ.
 
Thêm một minh chứng thực tế là "lượng" kinh phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng NTM nhiều hay ít không mang tính chất quyết định đến kết quả, tiến độ thực hiện các tiêu chí. So với nhiều tỉnh, Thái Bình là địa phương do điều kiện kinh tế khó khăn nên tự cân đối ngân sách giành cho xây dựng nông thôn mới chưa được nhiều. Nhưng chính trong bối cảnh nguồn lực hạn chế ấy, với những cách làm sáng tạo, chính sách hỗ trợ phù hợp… Thái Bình trở thành một trong số ít địa phương trên toàn quốc được các bộ, Chính phủ đánh giá cao và là gương điển hình cho nhiều tỉnh học tập.  Kết quả bước đầu đã được ghi nhận, song chỉ khi nào xoá bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại - một trong những hạn chế về nhận thức xây dựng nông thôn mới thì bộ mặt nông thôn mới thực sự khởi sắc, đời sống người dân nông thôn mới thực sự đổi thay tốt đẹp hơn.
 

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức các buổi toạ đàm ở cơ sở để thảo luận về những cách làm hay, sáng tạo và những khó khăn vướng mắc hiện nay; đồng thời nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Một buổi tọa đàm tại xã Bình Định, Kiến Xương. Ảnh: Nguyên Bình
 
Trong Quyết định 800/NQ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung và hạng mục công trình được hỗ trợ 100% (hoặc hỗ trợ một phần) bằng vốn ngân sách Nhà nước, nghĩa là nguồn ngân sách từ 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Điều 6 Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND về Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015 do UBND tỉnh ban hành ngày 16/08/2011 cũng đã quy định rất rõ điều này. Tuy nhiên, từ nhận thức sai lệch nguồn vốn hỗ trợ hoàn toàn từ ngân sách của Trung ương nên một số xã vẫn kỳ vọng vào ngân sách cấp trên mà không chủ động tháo gỡ khó khăn và huy động mọi nguồn lực để thực hiện. Bởi vậy, mới có thực trạng nhiều huyện, xã tiềm lực không lớn nhưng thực hiện khá tốt; ngược lại, nhiều huyện, xã tiềm lực mạnh nhưng làm chưa đáng là bao, lại rất hay kiến nghị tăng mức hỗ trợ đầu tư, với lý do ít tiền khó làm. Điển hình là việc quy hoạch chi tiết trung tâm xã, toàn tỉnh có 80 xã hoàn thành và được UBND huyện, thành phố phê duyệt; trong đó sự chênh lệch giữa các huyện lại khá lớn, như Hưng Hà 24 xã hoàn thành, Quỳnh Phụ chỉ có 1 xã và Đông Hưng 2 xã hoàn thành. Hay quy hoạch chi tiết giao thông thuỷ lợi nội đồng, Hưng Hà 33 xã, Vũ Thư 29 xã hoàn thành, nhưng Đông Hưng chỉ có 10 xã hoàn thành...
 
Tại nhiều cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ rõ : Công tác quy hoạch ở cơ sở khó khăn, nhưng huyện, xã không sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo, tìm giải pháp tháo gỡ mà lại trông chờ vào ngân sách cấp trên, do đó dẫn đến tiến độ chậm... Không chỉ riêng việc quy hoạch, một số công việc đã và đang làm như đào đắp giao thông, thuỷ lợi nội đồng hoàn toàn huy động được sức dân, nhưng một số địa phương vẫn thuê máy móc, nhà thầu để làm. Hay việc giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông nông thôn, một số xã đã có cách làm hay, sáng tạo nên tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong việc tự nguyện, tự giác hiến đất, công trình, ngày công lao động, trị giá hàng chục tỷ đồng. Điển hình như: Hồng Minh (Hưng Hà), Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ), Thanh Tân (Kiến Xương) đã huy động nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất ở để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa phát động được phong trào này bởi đội ngũ lãnh đạo, cán bộ thiếu sự năng động, nhiệt tình, thiếu các giải pháp để tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Một thực tế nữa là các địa phương chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đến thực hiện các tiêu chí về tổ chức chính trị xã hội, an ninh trật tự xã hội, giáo dục, văn hoá... trong khi việc hoàn thành những tiêu chí này không cần lượng kinh phí lớn.
          
Nói cho cùng để thực hiện các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, như giao thông thôn xóm, thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa thôn... nếu Nhà nước có đủ nguồn lực cấp 100% vốn giao cho các xã xây dựng, ví như người dân có đủ tiền xây một ngôi nhà thì việc hoàn thành các tiêu chí này không phải bàn nhiều, cán bộ cơ sở không phải trăn trở suy nghĩ nhiều. Nhưng đặt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế thì bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các địa phương cần có giải pháp huy động vốn đầu tư từ nhiều nguồn, và điều quan trọng là tạo được sự đồng thuận, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân cùng tích cực tham gia thực hiện thì xây dựng NTM mới thành công.
Theo Baothaibinh