Đề xuất từ thực tế
Tại cuộc họp tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2010-2020, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết: Vướng mắc của Hòa Bình là hiện nay có hai xã tổ chức lại đơn vị hành chính thì có một xã đã đạt chuẩn NTM, còn một xã thì chưa nên chưa biết gọi là xã gì; thứ hai nữa là, về chuẩn quốc gia, ví dụ như tiêu chí về văn hóa - giáo dục thì chúng tôi cũng có hai xã tổ chức lại đơn vị hành chính, trong đó 1 xã chưa đạt chuẩn và 1 xã đạt chuẩn. Khi hợp nhất với nhau thì giải quyết như thế nào?
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đề xuất Trung ương cần có cơ chế, chính sách riêng, đặc thù đối với các tỉnh miền núi phía Bắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là XDNTM. Trong đó cần có cơ chế đủ mạnh để phát triển kinh tế rừng, để người dân có thể sống được bằng nghề rừng; cơ chế phát triển du lịch gắn với XDNTM và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cần có một đến hai chính sách cơ bản là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng phát triển.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các viện, trường hỗ trợ các địa phương trong vùng khai thác tốt thế mạnh của khu vực về cây ăn quả, rau, cây dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp… Đưa khu vực sớm trở thành vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), phát triển du lịch cộng đồng gắn với XDNTM, xem đây là định hướng trọng tâm để phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Đồng thời sớm hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, trong đó, có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn, trong đó, chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã NTM, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Thực tiễn cuộc sống vào chính sách
Từ thực tiễn của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1385/QĐ-TTg, ngày 21/10/2018 về “Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo XDNTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020”, tập trung cho các xã đang đạt dưới 10 tiêu chí.
Theo đó, Đề án sẽ hỗ trợ cho khoảng 3.500 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của 35 tỉnh, trong đó có 564 thôn, bản, ấp thuộc 52 xã dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu của Đề án là góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí và trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các thôn của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào năm 2020.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, Đề án xác định dành 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển trích từ tổng số 10% vốn dự phòng của Chương trình MTQG về XDNTM giai đoạn 2016-2020 cho các tỉnh có các xã đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi hỗ trợ của Đề án.
Đề án cũng đặt ra yêu cầu các nội dung được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương phải có sự tham gia đối ứng của cộng đồng bằng tài sản hoặc ngày công lao động trên nguyên tắc tự nguyện. Khuyến khích các địa phương áp dụng hình thức việc làm công để tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập khi tham gia ngày công lao động để thi công công trình.
Định hướng XDNTM giai đoạn 2021 - 2025 ở các tỉnh miền núi phía Bắc Đối với cấp tỉnh: Có ít nhất 01 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Đối với cấp huyện: Mỗi tỉnh trong khu vực có ít nhất 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, trong đó, khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu. Đối với cấp xã: Có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong số các xã đã đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM giai đoạn 2021-2025. Đối với cấp thôn: 80% số thôn/bản thuộc phạm vi Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn NTM, 90% số thôn/bản thuộc các xã khác trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí thôn/bản NTM do các địa phương quy định. Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng thu nhập bình quân đầu người ít nhất 1,8 lần so với năm 2020. |