XDNTM khu vực miền núi phía Bắc: Nhiều cách làm sáng tạo

XDNTM khu vực miền núi phía Bắc: Nhiều cách làm sáng tạo
Tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) khu vực miền núi phía Bắc (MNPB), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đến hết năm 2019, khu vực MNPB có thể đạt 28% số xã NTM, về trước mục tiêu kế hoạch 1 năm.

Nợ xây dựng cơ bản đã không còn. Đặc biệt là tại cả 14 tỉnh MNPB đều có mô hình ở cấp độ toàn quốc.

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, điển hình là giao thông của vùng yếu kém nhất nước, đây là lõi nghèo của cả nước”.

ntm-phia-bac.jpg

Khu vực miền núi phía Bắc có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.

Các mô hình điển hình đều ở cấp độ toàn quốc

Đến hết tháng 6/2019, khu vực MNPB đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 18,34% so với cuối năm 2015, mức độ tăng thấp  hơn so với bình quân cả nước - 32,79%), thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%).

Dự kiến đến hết năm 2019, khu vực MNPB có khả năng đạt 28,0% số xã NTM (hoàn thành sớm hơn 01 năm so với mục tiêu được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ); 07/14 tỉnh đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao (Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên).

Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí (tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2015), thấp hơn so với bình quân chung của cả nước - 15,26 tiêu chí/xã.

Cả vùng có 06 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM (cả nước có 84 đơn vị). Theo báo cáo của các địa phương, một số tỉnh khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… đã có đơn vị cấp huyện đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn/hoàn thành NTM trong năm 2019. Việc những địa phương khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM cấp huyện có sức lan tỏa rất lớn và tạo động lực phấn đấu trong tỉnh và toàn vùng, điều này thể hiện NTM hoàn toàn có thể thành công trên diện rộng ở vùng khó khăn, chứ không chỉ tập trung vào một hay vài xã có điều kiện ưu đãi hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vui mừng nhấn mạnh: Tuy khó khăn nhưng tại cả 14 tỉnh MNPB có mô hình điển hình đều ở cấp độ toàn quốc.

Trước đây chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng thì trong giai đoạn II đã chuyển sang thực hiện các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Những kết quả đó đã tạo nên sự đột phá trong XDNTM của khu vực MNPB, nhất là từ năm 2017 đến nay.

“Vị trí, vai trò của người dân, sự sáng tạo  trong XDNTM đã cho thấy sự trỗi dậy vươn lên ở vùng khó khăn nhất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nêu rõ những bất cập, điển hình là giao thông của vùng yếu kém nhất nước, đây là lõi nghèo của cả nước, rất ít doanh nghiệp ở khu vực này.

Các tỉnh MNPB là vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn so với cả nước, đa số là dân tộc thiểu số. Đồng bào thiểu số chiếm 55% so với cả nước, địa hình thì chia cắt. Đánh giá gọn lại, các tỉnh đã vượt khó và rất thành công nhờ mô hình mới, sáng tạo không giới hạn. Các tỉnh này đã làm được thì không có lý do gì các địa phương khác không làm được và không thành công. Đây là vùng phên dậu của đất nước, nên kết quả đạt được có ý nghĩa chiến lược đối với cả nước.

XDNTM nâng cao

Tất cả các địa phương trong vùng MNPB đều có xuất phát điểm rất thấp khi bắt đầu triển khai XDNTM.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến, năm 2010, tỉnh có tới 60% tổng số xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân số tiêu chí/xã chỉ là 1,4.

Kể cả Thanh Chăn (huyện Điện Biên) là 1 trong 11 xã điểm trên cả nước do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo XDNTM ngay từ đầu nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn và tới cuối giai đoạn 2011 - 2015, mới đạt xã NTM.

Không khá hơn Điện Biên, nhiều tỉnh khác trong vùng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai XDNTM, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật.

Sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM, toàn bộ 7/7 xã thuộc TP. Hòa Bình được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận đạt xã NTM; trong đó, xã Thái Thịnh thuộc vùng hồ Hoà Bình đặc biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng và không có đồng ruộng.

Theo đó, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho XDNTM trên địa bàn thành phố đạt trên 800 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay, hệ thống giao thông tại 7/7 xã  được bê tông hóa; 100% số xã có hạ tầng, hệ thống thủy lợi, điện, nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn; 7/7 xã có nhà văn hóa và khu thể thao xã, 58/58 xóm có nhà văn hóa, khu thể thao đảm bảo theo quy định…

xdntm-hoa-binh.jpg
Xây dựng nông thôn mới ở Hòa Bình.

Hiện, trên địa bàn TP. Hòa Bình có trên 100 mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế, quy hoạch 120ha lúa chất lượng cao, trên 1.000 lồng cá, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm 150.000 con… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố đạt 57 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,31%; 91% số lao động khu vực nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định. Thành phố không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện XDNTM.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đặt mục tiêu, các xã sau khi đạt chuẩn NTM sẽ tiến hành XDNTM nâng cao, xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, có sản phẩm hàng hóa chủ lực có sức cạnh tranh cao.

Tập trung xây dựng thôn, bản NTM: Cách làm sáng tạo

Tận mắt chứng kiến những thay đổi tích cực ở các địa phương trong vùng MNPB, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu điển hình là tỉnh Sơn La đã nhanh chóng vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu trái cây của miền núi phía Bắc.

“Nhiều loại quả chưa từng được trồng ở Sơn La nhưng nhờ phát triển các mô hình liên kết sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mà nhãn, vú sữa, na hoàng hậu, thanh long ruột đỏ, chanh leo tím, xoài… đã trở thành đặc sản của Sơn La, xuất khẩu ra nước ngoài, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vui mừng nói.

Cách làm mới của khu vực MNPB là không tập trung xây dựng xã NTM mà đi vào xây dựng thôn, bản NTM để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, nhanh chóng cải thiện đời sống người dân. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Sự sáng tạo của nhân dân là vô cùng quan trọng khi triển khai chính sách và các cấp, ngành phải căn cứ thực tiễn cuộc sống, hòa mình với đời sống nhân dân để đánh giá cách làm hay, nhân rộng trên địa bàn mình và nhân rộng ra cả nước.

Từ vùng khó khăn như MNPB nhưng sẽ thực hiện vượt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về số xã đạt chuẩn NTM và với nhiều mô hình thành công. Miền núi làm được thì không có lý do gì các vùng khác lại không thể làm tốt hơn nữa vì mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn, thành thị, miền ngược với miền xuôi”.

Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá kỹ hơn việc triển khai Bộ tiêu chí NTM hiện nay theo tinh thần nghiên cứu các tiêu chí NTM kiểu mẫu cấp thôn - bản, cấp xã, huyện, phân cấp mạnh hơn cho các tỉnh, huyện trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo tiền đề triển khai ngay khi bước vào giai đoạn mới.

Về nguồn lực đầu tư cho chương trình, Phó thủ tướng đề nghị các tỉnh đánh giá kỹ hơn về chính sách để lại 8% tiền đấu giá sử dụng đất cấp xã để chi trả nợ đọng xây dựng cơ bản cũng như cơ cấu nguồn vốn đóng góp cho chương trình để tăng cường huy động nguồn lực của cộng đồng ở trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi chính sách nói chung, vừa bảo đảm phát triển sản xuất, tăng cường cơ sở hạ tầng, vừa giữ gìn được nét văn hoá đặc trưng của vùng miền.

Tư tưởng quan trọng của Nghị quyết 26/NQ-TƯ của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn cần quán triệt trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia: Tam nông là “chiến lược”, XDNTM là “căn bản”, phát triển hiện đại hoá toàn diện nông nghiệp là “then chốt” và vai trò của nông dân là “chủ thể”.

Bài 2: Bài học kinh nghiệm

Theo Vân Nhi/kinhtenongthon.vn