XDNTM là xây dựng con người mới, cách nghĩ mới
- Thứ tư - 04/02/2015 02:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xin ông cho biết những kết quả nổi bật sau gần 4 năm thực hiện chương trình XDNTM trên địa bàn?
Là tỉnh nghèo nên xuất phát điểm XDNTM của Quảng Bình rất thấp, chỉ đạt bình quân 3,6 tiêu chí/xã. Bên cạnh đó, khi tổ chức thực hiện, người dân nhận thức chương trình như một dự án đầu tư của Nhà nước nên còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa thực sự bắt tay thực hiện. Vì vậy, trong quá trình triển khai, Quảng Bình đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu mục đích, ý nghĩa, vai trò của mình trong XDNTM. Đến nay, sau gần 4 năm thực hiện, chúng tôi đã đạt được những kết quả quan trọng.
Về thực hiện bộ tiêu chí, đến cuối năm 2014, Quảng Bình đã đạt bình quân 9,5 tiêu chí/xã, tăng 5,9 tiêu chí so với khi mới triển khai chương trình, cao hơn bình quân chung toàn quốc (8,47 tiêu chí/xã); có 12 xã đạt từ 17 - 19 tiêu chí, trong đó có 11 xã đạt 19/19 tiêu chí; 21 xã đạt từ 13-16 tiêu chí (tăng 19 xã); 23 xã đạt từ 10 - 12 tiêu chí (tăng 18 xã); 66 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí (tăng 47 xã); chỉ còn 14 xã đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 96 xã so với trước khi triển khai chương trình). Đặc biệt, năm 2015, có thêm 28 xã đăng ký đạt xã NTM, vượt kế hoạch Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV đề ra (40 xã so với tiêu chí Đại hội là 28 xã).
Đối với công tác chỉ đạo, điều hành, tỉnh luôn xác định chương trình XDNTM là khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ cải thiện đời sống nông dân đến thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành sâu sát, liên tục đôn đốc các cơ quan triển khai các biện pháp để thực hiện các mục tiêu của chương trình. Cụ thể, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết XDNTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành quyết định chọn xã điểm và chọn các xã cần tập trung chỉ đạo để hoàn thành XDNTM.
Ban chỉ đạo thực hiện chương trình được thành lập, kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở, 100% xã và thôn đã thành lập ban quản lý xã và ban phát triển thôn, đảm bảo công tác chỉ đạo, giám sát thực hiện chương trình đến từng địa phương.
Xác định công tác tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng, Quảng Bình đã chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để người dân hiểu đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là phong trào sâu rộng toàn quốc, tuyên truyền có chiều sâu, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn về nội dung, ý nghĩa của chương trình, tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong XDNTM; tập trung tuyên truyền nêu gương điển hình, có cách làm hay, hiệu quả, tuyên truyền các cá nhân điển hình trong phong trào hiến đất, hiến tài sản, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong thực hiện chương trình; vinh danh các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã có đóng góp trong phong trào, từ đó vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, con em quê hương thành đạt tham gia đóng góp XDNTM; đồng thời phê bình các địa phương còn yếu kém, chỉ đạo thiếu quyết liệt trong thực hiện chương trình.
Người dân đã xác định vai trò chủ thể của mình trong XDNTM, họ vừa là người thực hiện, vừa là người hưởng lợi, từ đó, đồng thuận tham gia XDNTM. Tính đến tháng 10/2014, nhân dân Quảng Bình đã đóng góp tổng cộng 532,3 tỷ đồng (chiếm khoảng 10% nguồn lực), gồm tiền mặt, ngày công, hiến đất, hiến tài sản… Chương trình đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong các cộng đồng dân cư, đem lại những nét tươi mới cho đời sống kinh tế - văn hóa cho các địa phương.
Trong quá trình triển khai chương trình XDNTM, tỉnh gặp những thuận lợi, khó khăn gì? Theo ông, đâu là sáng tạo của địa phương?
Trong quá trình triển khai XDNTM, Quảng Bình có được sự đồng lòng của cán bộ, sự ủng hộ của nhân dân. Ngay từ thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình, trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, Quảng Bình đã có sẵn một hệ thống chính trị vững mạnh tại các thôn, xã, giúp chương trình được triển khai kịp thời, có chất lượng. Ngoài ra, an ninh trật tự thôn, xóm được đảm bảo là nền tảng quan trọng để hướng tới các tiêu chí khác của chương trình. Trong quá trình thực hiện, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan, ban ngành Trung ương, sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm tận tình của các tỉnh bạn.
Quảng Bình có xuất phát điểm thấp, tại thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình, có đến 109 xã đạt dưới 5 tiêu chí, những tiêu chí quan trọng như giao thông, thủy lợi, trường học, thu nhập… gần như chưa xã nào đạt. Là tỉnh còn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, nguồn vốn đầu tư cho XDNTM chưa nhiều trong khi nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế do đời sống người dân còn nhiều khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn ít nhiều bị ảnh hưởng do tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế. Một số tiêu chí NTM chưa phù hợp với đặc thù của từng địa phương, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, hàng năm Quảng Bình chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, gây thiệt hại lớn, nhất là ở địa bàn nông thôn. Đơn cử, cơn bão số 10 và hoàn lưu bão số 11 năm 2013 đã làm 20 xã sụt giảm 24 tiêu chí, điều này làm chậm tiến độ XDNTM trên địa bàn.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng trong quá trình thực hiện chương trình đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí mà không gây ra áp lực lớn với nguồn lực có hạn của địa phương, đó là: UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông và thủy lợi nội đồng cho các xã; người dân xã Hải Trạch (Bố Trạch) hoán đổi đất để xây dựng nhà văn hóa xã; mô hình thắp sáng đường quê ở xã Đồng Trạch; mô hình thu gom rác tự nguyện để xây dựng quỹ cho phụ nữ nghèo vay ở xã Hiền Ninh,… Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục học hỏi, tiếp thu và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo để các địa phương nghiên cứu áp dụng.
Mục tiêu đến hết năm 2015, Quảng Bình phấn đấu có bao nhiêu xã đạt chuẩn NTM? Trong năm 2015, những lĩnh vực nào được ưu tiên thực hiện, thưa ông?
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đến hết năm 2015, Quảng Bình phấn đấu có 27 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 20% số xã trong toàn tỉnh, nhưng đến cuối năm 2014 đã có 12 xã đạt chuẩn NTM và hiện có thêm 28 xã đăng ký đạt NTM vào năm 2015. Nếu đủ nguồn lực thì đến hết năm 2015, Quảng Bình sẽ có 40 xã đạt xã NTM.
Tuy nhiên, để chắc chắn trong việc tập trung chỉ đạo, chúng tôi đang chỉ đạo Văn phòng điều phối, phối hợp với UBND các huyện rà soát một lần nữa để các xã thực sự hội đủ tiêu chí để đưa vào danh sách cần tập trung chỉ đạo và đầu tư nguồn lực để đạt xã NTM. Dù gì đi nữa, trong năm 2015, tỉnh Quảng Bình phải có thêm ít nhất 15 xã đạt chuẩn NTM. Điều này trong tầm tay thực hiện của chúng tôi.
Trong chỉ đạo thực hiện chương trình, Quảng Bình hết sức quan tâm để tránh xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, huy động quá sức dân, tránh để XDNTM xa rời những mục tiêu cốt lõi, trở thành gánh nặng đối với nhân dân.
Quảng Bình xác định XDNTM không chỉ là xây dựng nhà cửa, đường sá, công trình mới mà còn là xây dựng con người mới, suy nghĩ mới, cách sản xuất mới, tầm nhìn và lối sống mới.
Trong điều kiện nguồn lực dành cho chương trình còn nhiều khó khăn, bên cạnh các tiêu chí cần nhiều vốn như giao thông, thủy lợi, trường học…, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí nền tảng liên quan đến văn hóa – xã hội như hệ thống tổ chức chính trị, môi trường, văn hóa, quy hoạch…, trong đó đặc biệt tập trung xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất, xác định rõ thế mạnh của từng địa phương để xây dựng tầm nhìn và định hướng cho đời sống kinh tế từng thôn, xã nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Bên cạnh đó, trong năm 2015, Quảng Bình sẽ tiếp tục nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống nhân dân các vùng đặc biệt khó khăn thông qua đẩy mạnh phát triển sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp áp dụng tiến bộ kỹ thuật.
Xin cảm ơn ông!