XDNTM ở Duy Sơn: Nâng cao chất lượng các tiêu chí
- Thứ tư - 09/09/2015 03:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một trang trại nuôi gà có hiệu quả của xã Duy Sơn
Ngay khi triển khai thực hiện chương trình XDNTM, Duy Sơn đã tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với XDNTM; phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để mọi người hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình. Hàng nghìn lượt người đã tham dự.
Xác định phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, chính quyền xã Duy Sơn đã tập trung triển khai các chương trình, dự án có tác động trực tiếp đến sản xuất. Theo đó, xã đẩy mạnh thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng ở các thôn Trà Châu, Kiệu Châu, Trà Kiệu Tây với diện tích gần 80ha thành cánh đồng mẫu lớn, huy động hàng ngàn ngày công để xây dựng giao thông nội đồng, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và đẩy mạnh sản xuất thâm canh. Ngoài việc xây dựng cánh đồng mẫu xã đã xây dựng một số cánh đồng kỹ thuật trên địa bàn 8 thôn với diện tích 30ha. Nhờ đưa các loại giống mới vào sản xuất nên năng suất lúa tăng đáng kể, từ 55 tạ/ha lên 70-75 tạ/ha.
Cùng với việc vận động bà con đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo thế mạnh của địa phương như trâu đàn, bò đàn, Duy Sơn còn khuyến khích nhân dân xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Đến nay, xã đã có 4 trang trại chăn nuôi heo và 1 trang trại chăn nuôi gà, hàng chục gia trại chăn nuôi gà, heo.
Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng được du nhập và phát triển với 3 cơ sở sản xuất mây tre, 2 cơ sở sản xuất thảm lau chân, tạo việc làm cho trên 100 lao động nông nhàn với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ tổ chức các hình thức phát triển sản xuất phù hợp, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 5%, thu nhập bình quân 25,19 triệu đồng/người/năm.
Trong quá trình XDNTM, nhờ tranh thủ tốt các nguồn lực, đặc biệt là huy động sức dân, Duy Sơn đã triển khai thực hiện các tiêu chí khá thuận lợi. “Nếu không có sự đồng thuận của người dân, chắc chắn hành trình về đích sẽ còn gian nan”, ông Thâm nói. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, người dân nơi đây đã nhận thức rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình trong phong trào XDNTM. Trong tổng kinh phí thực hiện chương trình tính đến tháng 6/2015 là 86.445 triệu đồng thì nhân dân đóng góp 16.041 triệu đồng (chiếm 18,6%). Từ nguồn vốn này, xã đã bê-tông hóa 19,9km đường trục xã, liên xã và 14,9km đường trục thôn, liên thôn (đạt 100%); đường ngõ xóm đã bê-tông hóa được 14,3/16,31km; đường trục chính giao thông nội đồng bê-tông hóa 11,9/17km. Hệ thống giao thông hoàn thiện đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy lưu thông hàng hóa.
Ngoài ra, Duy Sơn còn quan tâm nâng cấp, cải tạo và xây mới nhiều công trình hạ tầng khác như: Kiên cố hóa được 10,6/15km kênh mương; trường học 3 cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đều đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh tốt nghiệm THCS hàng năm đạt 100%; 8/8 thôn có nhà văn hóa, mỗi nhà rộng 200m2, có đầy đủ các thiết chế văn hóa theo quy định; chợ Trà Kiệu được xây dựng năm 2011, hoàn thành năm 2012, với diện tích 8.170m2; 96,8% số nhà ở của người dân đạt chuẩn, trên địa bàn xã không còn nhà tạm. Đến nay, 100% số hộ trên địa bàn được sử dụng điện sinh hoạt; 100% số hộ sử dụng nước từ giếng đóng, giếng khoan hợp vệ dinh theo tiêu chuẩn quy định, trong đó có 30% số hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97,66% (5.305/5.432 người); 37,1% số lao động đã qua đào tạo (bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo nghề hoặc đào tạo dài hạn từ trung cấp trở lên); 70,44% dân số của xã tham gia bảo hiểm y tế…
Tuy nhiên, theo ông Thâm, dù đã đạt 19/19 tiêu chí NTM nhưng qua rà soát, một số tiêu chí đạt nhưng còn ở mức độ thấp như: giao thông, đặc biệt là giao thông nội đồng, vì còn một số tuyến chưa cứng hóa; một số tuyến kênh mương thủy lợi thiết yếu chưa được kiên cố hóa; cần phải xây dựng lại 3 chợ Chiêm Sơn, Phú Nham, Chánh Lộc để tạo điều kiện cho nhân dân buôn bán, trao đổi hàng hóa. Trong lĩnh vực sản xuất cần quan tâm xây dựng vùng chuyên canh liên kết 4 nhà tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập cho nông dân; phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, do đó, phải thường xuyên vận động nhân dân thu gom rác thải, hoàn thiện các công trình vệ sinh gia đình, không vứt xác động vật bừa bãi ra môi trường…
Hy vọng, với những giải pháp cả trước mắt và lâu dài, chính quyền và nhân dân xã Duy Sơn sẽ giữ vững thành quả NTM, tiến lên xây dựng một nông thôn tiên tiến, thịnh vượng hơn.
Ngọc Lan
Theo: kinhtenongthon.com.vn