XDNTM ở Lương Sơn: Thành quả từ sức dân

XDNTM ở Lương Sơn: Thành quả từ sức dân
Phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được huyện Lương Sơn (Hòa Bình) xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm phát triển nông thôn bền vững. Đến thời điểm này, việc triển khai thực hiện chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Phóng viên báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Danh, Phó chủ tịch UBND huyện Lương Sơn về việc thực hiện chương trình này.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó chủ tịch UBND huyện Lương Sơn.

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình MTQG XDNTM trên địa bàn?

Sau 6 năm triển khai XDNTM, Lương Sơn đã đạt được một số thành tựu cơ bản: Trong đó, thay đổi nhận thức và tinh thần trách nhiệm của người dân với cộng đồng làng xã là điểm nổi bật. Lúc đầu, một bộ phận dân cư còn bảo thủ, ỷ lại, cho rằng XDNTM là việc của các cấp ủy Đảng, chính quyền chứ không phải của người dân, nguồn vốn XDNTM là do Nhà nước cấp… Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến nay, người dân đã xác định rõ vai trò chủ thể của mình trong XDNTM và những kết quả đạt được là phục vụ cho chính cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, bà con nhiệt tình đóng góp tiền của, công sức để thực hiện các tiêu chí. Đến nay, hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa và các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được xây dựng và nâng cấp.

Trong giai đoạn 2011- 2015, các địa phương trên địa bàn huyện đã đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 42 công trình giao thông với 203km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số kilômét đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa lên 321,43km, cứng hóa bằng vật liệu cứng 212,75km, tổng số kilômét đường giao thôn nông thôn đạt chuẩn NTM là 534,2/853,6km, đạt 63,9%.

Huyện cũng đã cải tạo, nâng cấp và xây mới 19 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 32km kênh mương nội đồng, xây dựng 3 công trình cầu, cống phục vụ đi lại sản xuất, nâng tổng số kênh mương nội đồng được kiên cố hóa lên 138/361km, đạt 38,2%.

Bên cạnh đó, đã đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp lớp học và các công trình phụ trợ với 76 công trình; sửa chữa nâng cấp 9 trạm y tế xã, cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư, xây dựng được 20 công trình…

Tính đến hết 31/12/2016, toàn huyện có 7 xã đạt 19 tiêu chí; 1 xã đạt 17 tiêu chí; 2 xã đạt 16 tiêu chí; 1 xã đạt 15 tiêu chí; 2 xã đạt 14 tiêu chí; 5 xã đạt 13 tiêu chí; 1 xã đạt 12 tiêu chí. Đến hết 30/6/2017, sau khi rà soát, đánh giá thực trạng theo bộ tiêu chí mới, trên địa bàn có 1 xã đạt 19 tiêu chí (xã Liên Sơn); 6 xã đạt 18 tiêu chí (Nhuận Trạch, Hòa Sơn, Cao Thắng, Thành Lập, Lâm Sơn, Cư Yên); các xã còn lại đạt từ 11 - 17 tiêu chí.

Những khó khăn Lương Sơn gặp phải khi triển khai thực hiện XDNTM là gì, các giải pháp tháo gỡ cũng như mục tiêu cụ thể của huyện đến năm 2020 như thế nào, thưa ông?

Huyện Lương Sơn xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Thời gian đầu, khi triển khai thực hiện chương trình, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa sâu sắc về chủ trương, ý nghĩa, tầm quan trọng của XDNTM. Vẫn còn những hoài nghi về hiệu quả và lợi ích chương trình mang lại, một số xã chưa có quyết tâm chính trị cao, còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm, điều kiện về đất đai, tập quán canh tác lạc hậu dẫn đến sản xuất nông nghiệp còn manh mún. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn khó khăn, thu nhập bình quân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Khi mới triển khai chương trình, xuất phát điểm của các xã tương đối thấp, 19/19 xã đều đạt dưới 10 tiêu chí, trong đó có 9 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Trước những khó khăn đó, huyện đã đưa ra những giải pháp như: Tập trung tuyên truyền, vận động làm chuyển biến sâu sắc nhận thức và hành động của nhân dân trong việc XDNTM, đặc biệt là việc tuyên truyền nhằm giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy và phát huy niềm tự hào, ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong lao động và sinh hoạt đối với bản thân, gia đình và cộng đồng.

Mục tiêu đến năm 2020, chúng tôi phấn đấu nâng cao đời sống cho cư dân nông thôn, thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,3%/năm, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 40% trong tổng lao động xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90% dân số, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95%, số xã đạt chuẩn NTM là 10 xã, đạt 52,6%.

Xin chân thành cảm ơn ông!      
 

Theo: Đức Sơn/kinhtenongthon.com.vn