XDNTM ở Mỹ Đức: Không nóng vội

XDNTM ở Mỹ Đức: Không nóng vội
Chương trình “Phát triển nông nghiệp, XDNTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân” là chủ trương chung của TP. Hà Nội cũng như cả nước, đòi hỏi sự đầu tư lớn, cả sức người, sức của. Ở Mỹ Đức cũng vậy, chiến dịch “thay máu” cơ cấu kinh tế đang được chính quyền và nhân dân vào cuộc quyết liệt, song không hề nóng vội.

Theo báo cáo của UBND huyện Mỹ Đức, sau hơn 2 năm dồn lực triển khai XDNTM, cả 21xã của huyện đều thu được những kết quả khả quan. Cụ thể, một số xã đã đạt nhiều tiêu chí NTM như: Mỹ Thành, Đốc Tín, Đại Hưng, An Mỹ, Phù Lưu Tế; trong đó, Mỹ Thành dù không phải là xã điểm nhưng đã đạt và cơ bản đạt 13/19 tiêu chí, 4 xã còn lại đạt từ 7 - 10 tiêu chí. Đặc biệt, xã điểm Phùng Xá đạt 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí gần cán đích.

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, thực hiện chương trình XDNTM, xã đã vận động người dân đóng góp được trên 1,76 tỷ đồng, hiến 309m2 đất thổ cư và 1.200m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông và kênh mương nội đồng. Phùng Xá đã hoàn thành xóa nhà dột nát cho 14 hộ, hơn hai năm qua đã sửa chữa, chỉnh trang 150 nhà dân với tổng giá trị khoảng 62 tỷ đồng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Các thôn, xóm, ngõ đều duy trì nề nếp dọn vệ sinh môi trường vào thứ Sáu hằng tuần; 100% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh, rác thải được thu gom, chôn lấp tập trung tại 2 điểm đã quy hoạch. Phùng Xá là điểm sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo, từ 127 hộ nghèo năm 2010 đến năm 2012 chỉ còn 57 hộ, phấn đấu cuối năm nay cơ bản xóa hộ nghèo. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch hiệu quả, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp (chiếm trên 55%), dịch vụ, thương mại (20%), nông nghiệp còn dưới 25%. Tăng trưởng kinh tế đạt 15%/năm, thu nhập bình quân tăng từ 17,4 triệu đồng/người (năm 2011) lên 20,5 triệu đồng/người (năm 2012).

Ban chỉ đạo XDNTM huyện Mỹ Đức cho biết, để làm được điều đó, huyện đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, các xã, thị trấn xây dựng chương trình thông tin tuyên truyền về công tác XDNTM, luôn coi tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo Đài Truyền thanh huyện và các xã, thị trấn mở chuyên mục về XDNTM, thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc XDNTM, đảm bảo cho mọi người hiểu đúng, đầy đủ về XDNTM và tích cực tham gia. 

Ngoài ra, huyện còn kết hợp với Ban chỉ đạo XDNTM thành phố tổ chức tập huấn nội dung, chương trình về XDNTM cho các thành viên tổ công tác của huyện, Ban chỉ đạo các xã, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Nhờ đó, tính đến hết tháng 3/2013, Mỹ Đức đã huy động được hơn 89 tỷ đồng cho XDNTM. Trong đó, vốn doanh nghiệp đóng góp 1,32 tỷ đồng; huy động nguồn vốn xã hội hóa 47,7 tỷ đồng; vốn do nhân dân đóng góp 36,5 tỷ đồng...

Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó trưởng ban XDNTM, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho hay: “Chúng tôi xác định XDNTM như một cuộc cách mạng nên không thể nóng vội, các tiêu chí dễ làm trước, làm đến đâu hiệu quả đến đấy, tránh chạy theo thành tích, gây lãng phí nguồn lực đầu tư vốn đã rất hạn chế”.

Bà Thúy cho biết thêm, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch làng nghề và tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng như tăng diện tích giống cây trồng mới, nhất là giống lúa chất lượng cao đã được người dân ở các xã cấy thử nghiệm, cho kết quả tốt. Mỹ Đức cũng đang đẩy mạnh triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung và chú trọng phát triển kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ và thương mại. “Các mô hình này phù hợp, thiết thực, đáp ứng được mục tiêu cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần tích cực cho quá trình XDNTM”, bà Thúy nói.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức tập trung đầu tư tuyên truyền cho người dân biết về chủ trương, chính sách của thành phố về XDNTM và Chương trình 02 của Thành uỷ. Huyện cần ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng cường đưa cơ giới hoá, áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Tập trung xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, cây ăn quả, rau an toàn đáp ứng nhu cầu của địa phương và các địa bàn khác; quan tâm đào tạo nghề cho lao động dôi dư. Trước mắt, huyện tập trung chỉ đạo đến năm 2014 có 5 xã và đến năm 2015 có 9 xã hoàn thành XDNTM.
 

 

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang khẳng định: Cái được lớn nhất sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và 3 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy là sự đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh, quản lý, lãnh đạo trong hệ thống chính trị và người dân. Đến nay, các xã đều đã có quy hoạch và thực hiện XDNTM theo quy hoạch nên nông thôn quy củ hơn; cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi được chuyển dịch tích cực, hình thành các vùng sản xuất tập trung. 

Trong 5 năm qua, Mỹ Đức đã phê duyệt một loạt các quy hoạch như quy hoạch sản xuất nông - lâm, thủy sản, đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, quy hoạch vùng sản suất lúa hàng hóa chất lượng cao ở 10 xã ven sông Đáy và đang triển khai ở nhiều xã khác. Ngoài ra, huyện đã tập trung phát triển làng nghề, tổ chức 69 lớp dạy nghề cho 4.165 lượt người…, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

 

Trâm Anh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn