XDNTM ở Quảng Bình: Tiêu chí văn hóa được quan tâm

XDNTM ở Quảng Bình: Tiêu chí văn hóa được quan tâm
Sau hơn 8 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Quảng Bình đã có 62/136 xã được công nhận đạt chuẩn.
tr2t.jpg
Lễ rước Thành hoàng làng là nét đẹp truyền thống của người dân xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn.

Đặc biệt, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tiêu chí về văn hóa và cơ sở vật chất văn hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm

Quảng Bình đã tập trung huy động nguồn lực của toàn xã hội đầu tư cải tạo, nâng cấp và trang bị mới các thiết chế văn hóa ở các thôn, bản, tổ dân phố, nhờ đó hệ thống thiết chế văn hóa được cải thiện. Các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số Trung tâm Văn hóa-Thể thao (TTVH-TT)  cấp xã được đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động và khai thác  hiệu quả.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.161 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố; 156 TTVH-TT cấp xã, trong đó có 35 TTVH xã được xây dựng độc lập. Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở về cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân. Hầu hết các xã cơ bản hoàn thành việc xây dựng quy hoạch đất để xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao và đang tranh thủ nguồn lực để triển khai xây dựng.

Về thăm xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy), ông Nguyễn Văn Đề, Chủ tịch UBND xã cho hay: Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn đã thúc đẩy phong trào văn hóa - thể thao phát triển, gắn kết tình đoàn kết trong nhân dân, động viên mỗi người đồng sức, đồng lòng trong XDNTM và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa 

Đây là một trong những phong trào phát triển mạnh mẽ, chất lượng ngày càng được nâng cao, phát huy được tính tích cực và tác dụng thiết thực trong đời sống; trở thành những chuẩn mực về nếp sống, lối sống, quan hệ văn hóa cộng đồng, đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa con người với môi trường xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc  ở Quảng Bình.

Thăm thị xã Ba Đồn, trao đổi với Phó chủ tịch UBND thị xã Đinh Thiếu Sơn, được biết, ở những thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, nhân dân đã phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức tự giác, đặc biệt là tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, giúp đỡ gia đình gặp khó khăn hoạn nạn; công tác xói đói giảm nghèo được các cấp chính quyền và Mặt trận Tổ quốc quan tâm giúp đỡ; các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy; quan hệ gia đình, làng xóm ngày càng gắn bó, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn thời gian qua.

Phong trào xây dựng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình đã được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân; khơi dậy niềm tin và sự thi đua sáng tạo trong từng thôn, tổ dân phố.  Toàn tỉnh có 918/1.218 thôn, bản tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, chiếm 75,4%. 

Đến nay, tỉnh Quảng Bình có 62/136 xã về đích NTM, chiếm 45,6%; 98 xã đạt tiêu chí 16 về văn hóa; 93 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Năm 2019, toàn tỉnh có 11 xã đăng ký về đích NTM.                                                                                                 

Theo Đức Sơn/kinhtenongthon.vn