XDNTM ở Quế Cường: Thành quả bước đầu
- Thứ hai - 11/08/2014 21:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch UBND xã Quế Cường, cho biết, khi bắt tay triển khai chương trình XDNTM, xã đã thành lập ban chỉ đạo, ban giám sát và ban quản lý; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được các văn bản quy định, hướng dẫn XDNTM, trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình này. Xã cũng nhanh chóng lập quy hoạch, đề án XDNTM và đã được phê duyệt. Đây là cơ sở để xã triển khai thực hiện từng tiêu chí với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, đảm bảo sự bền vững. Tổng nguồn vốn huy động cho chương trình XDNTM trong 3 năm qua của xã đạt 26,54 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,9 tỷ đồng. Đây là nỗ lực không nhỏ của người dân Quế Cường trong điều kiện cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, khó khăn.
Xác định hoàn thiện hệ thống hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng của quá trình XDNTM, lãnh đạo xã Quế Cường đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác này, đồng thời huy động sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp dân cư. Trong 3 năm qua, xã đã bê-tông hóa 3.550m đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí 2,095 tỷ đồng; đầu tư, hoàn thành 1.400m kênh bê-tông nội đồng, kinh phí 2,46 tỷ đồng; đầu tư và hoàn thành công trình đập dâng Đồng Lãng, cầu Khe Ngang, cầu Vườn Mè; xây dựng 5 phòng học, nâng cấp, sửa chữa trường trung học cơ sở;…
Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã quy hoạch các vùng sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Theo đó, xã mở được 2 lớp đào tạo nghề mây tre, chăn nuôi - thú y với 212 người tham gia; mở 14 lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 560 lượt người. Những mô hình sản xuất mới phát huy hiệu quả đã góp phần nâng thu nhập bình quân của xã lên mức 13,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 20,61%.
Quế Cường đã hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Hiện, xã có 1 trạm y tế đang được đầu tư làm mới với tổng nguồn vốn 5,26 tỷ đồng. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ y tế chưa đảm bảo, chưa có bác sĩ, hoạt động của trạm y tế chủ yếu là khám bảo hiểm y tế cho trên 3.390 người/năm, các chương trình y tế quốc gia, công tác kế hoạch hóa gia đình. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh chiếm trên 95%, tỷ lệ hộ gia đình có đủ 3 công trình hợp vệ sinh còn thấp (70%); chưa có hệ thống xử lý rác thải cho sinh hoạt và hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi chưa đảm bảo ở hộ gia đình.
Ông Sơn cho rằng, để quá trình XDNTM ở địa phương thành công, phải có sự phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, kết hợp giữa cải tạo và xây dựng mới cơ sở hạ tầng nông thôn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn NTM nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, mở rộng ngành nghề nông thôn để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của xã là người dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa chú trọng sản xuất hàng hóa, việc nhân rộng mô hình còn hạn chế; hệ thống hạ tầng dù đã được đầu tư nhưng vẫn còn yếu kém, trong khi nguồn vốn hỗ trợ đầu tư rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Từ thực tiễn triển khai XDNTM ở địa phương, ông Sơn kiến nghị, đối với các công trình không cần kỹ thuật cao, căn cứ vào dự án được duyệt, Ban quản lý chương trình XDNTM xã thực hiện mua vật tư theo yêu cầu giao lại cho các thôn huy động nhân dân tham gia thi công dưới sự giám sát của huyện, xã; hạn chế tối đa việc đấu thầu, giao thầu cho doanh nghiệp. Đề nghị tỉnh, huyện có cơ chế khuyến khích khai thác nguồn thu tại xã để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; có cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển các khu chăn nuôi tập trung.
Ngọc Lan
nguồn: kinhtenongthon.com.vn