XDNTM ở Thường Tín: 16 xã đạt 19 tiêu chí vào năm 2015

XDNTM ở Thường Tín: 16 xã đạt 19 tiêu chí vào năm 2015
Theo kế hoạch, giai đoạn 2010 - 2015, huyện Thường Tín (Hà Nội) phấn đấu có 16 xã (55%) cơ bản đạt 19 tiêu chí NTM, riêng xã Nhị Khê đạt chuẩn trong năm 2013. Hiện, các cấp chính quyền, ngành chức năng trong huyện đang tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra.

Nhìn từ xã điểm Nhị Khê

Nhị Khê là xã điểm XDNTM của huyện Thường Tín. Trong quá trình thực hiện, xã không thể tránh khỏi những khó khăn như nguồn vốn đối ứng của nhân dân, doanh nghiệp còn ít, trong khi kinh phí để thực hiện chủ yếu dựa vào tiền đấu giá quyền sử dụng đất của địa phương.

Khó khăn là vậy song nhờ sự vào cuộc tích cực của Đảng ủy, UBND xã và toàn thể nhân dân, đến nay xã đã cơ bản đạt 17/19 tiêu chí. Ông Nguyễn Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để có kết quả này, Nhị Khê đã làm tốt công tác tuyên truyền, chỉ rõ quyền lợi, trách nhiệm của nhân dân trong chương trình, công khai mọi công việc, hoạt động nên bà con tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình".

Phương châm mà Nhị Khê lựa chọn là tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, địa phương này đã có những cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.

Đơn cử như việc thực hiện tiêu chí cơ cấu lao động, Nhị Khê đã phát động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài ở tất cả các dòng họ, các thôn để từ đó lấy quỹ này hỗ trợ các cháu trong xã đi học, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động. Với cách làm này, đến nay, cơ cấu lao động trong nông nghiệp ở Nhị Khê chỉ còn 22,1%. Hiện, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của xã chỉ còn 8,2%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 50,8%; thương mại - dịch vụ 41,6%.

Trong tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã đã thành lập Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo, hàng năm vận động các doanh nghiệp, công nhân viên chức, các tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân đóng góp tạo quỹ hỗ trợ cho các hộ nghèo, mua sách vở cho con em hộ nghèo vào đầu năm học, thăm hỏi các gia đình chính sách, người có công với cách mạng những lúc ốm đau. Đặc biệt, Nhị Khê đã phân loại người nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp như: vận động các hộ kinh doanh tạo việc làm cho những hộ thiếu vốn, tạo điều kiện cho những hộ thiếu vốn được vay vốn thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Với cách làm này, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 66 hộ năm 2010 xuống còn 33 hộ năm 2013 (chiếm 2%). Thu nhập của nhân dân không ngừng nâng lên, từ 11 triệu đồng/người (năm 2010) tăng lên 24 triệu đồng/người (năm 2013); bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi.

Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa

Xác định dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là nền tảng để thực hiện nhiều tiêu chí trong XDNTM nên sau khi có Nghị quyết 04 của HĐND TP.Hà Nội, Huyện ủy Thường Tín đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HU ngày 26/6/2012 về việc tiếp tục DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; HĐND huyện cũng ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05/NQ-HĐND ngày 7/5/2012 về công tác DĐĐT; UBND huyện xây dựng Kế hoạch 68/KH-UBND, Hướng dẫn 01/HD-UBND ngày 26/6/2912 về việc thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện năm 2012 - 2013.

Các xã, thị trấn cũng cụ thể hóa các văn bản của thành phố, huyện bằng cách thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc và các tiểu ban tiến hành rà soát chọn điểm triển khai và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo đài phát thanh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến cán bộ đảng viên và nhân dân.

Tính đến ngày 5/4/2013, các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức 592 hội nghị họp chi bộ; 532 hội nghị họp quân dân tại các thôn, cụm dân cư; tổ chức 362 hội nghị họp dân để triển khai bàn bạc về công tác DĐĐT. Kết quả, đã có 19/29 xã, thị trấn được phê duyệt phương án DĐĐT, 4 xã đang thẩm định, 6 xã đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt. Đã có 89 thôn, cụm xây dựng xong phương án; 57 thôn, cụm giao ruộng tới các hộ với tổng diện tích 1.936,12ha; tổng số thửa là 23.142 (giảm 33.230 thửa so với trước khi DĐĐT), trong đó số hộ có 1-2 thửa là 11.446 hộ; hộ có 3 thửa là 636 hộ. Tổng diện tích giao thông thủy lợi nội đồng sau khi dồn đổi là 2.545.234 m2, diện tích đất mở rộng giao thông thủy lợi là 919.382m2, trong đó nhân dân hiến đất 480.767m2, quỹ đất II là 438.615m2.

Tổng kinh phí phục vụ DĐĐT là 74,35 tỷ đồng, trong đó thành phố hỗ trợ 17,925 tỷ đồng, huyện 56,425 tỷ đồng, với khối lượng đào đắp 1.254.667m3, khối lượng nạo vét thủy lợi nội đồng 155.800 m3, cứng hóa đường, mương 47.200m2.

Sau khi DĐĐT, Thường Tín có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư giống cây trồng, vật nuôi thủy sản; chính sách sơ chế, chế biến, bảo quản giống vật tư nông nghiệp; đầu tư cho cơ sở giết mổ gia cầm tập trung... 

Năm 2012, TP.Hà Nội đã hỗ trợ giá giống với tổng kinh phí 830 triệu đồng, 114kg thuốc ZatK 2%. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư hỗ trợ giống lúa, cây vụ đông tại các điểm khảo nghiệm giống mới được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện chiến dịch diệt chuột, ốc bươu vàng, vệ sinh tiêu độc, phòng chống dịch bệnh với tổng kinh phí 5,807 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại 4 xã với tổng kinh phí 5 tỷ đồng, tiến hành nạo vét các công trình thủy lợi với tổng kinh phí 4,371 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong chương trình XDNTM và công tác DĐĐT, huyện Thường Tín vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Ông Nguyễn Trọng Đô, Phó trưởng phòng Phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết: "Hiện nay, nguồn vốn đang là khó khăn lớn nhất của huyện. Nguồn vốn đối ứng trong dân không được là bao, vốn từ các doanh nghiệp năm nay cũng gặp khó. Muốn có vốn, huyện chỉ trông chờ vào đấu giá quyền sử dụng đất là chính nhưng mấy năm nay giá đất gần như đứng im. Hay trong công tác DĐĐT cũng gặp khó như: tư tưởng người dân không muốn chuyển đổi đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; mức hỗ trợ và nguồn hỗ trợ để triển khai còn chậm".

Ông Nguyễn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nhị Khê cho biết thêm: "Xã còn 2 tiêu chí chưa đạt là môi trường và trường học, nhưng 2 tiêu chí này cần đến nguồn vốn lớn, đặc biệt là tiêu chí về môi trường xã đang khó khăn trong khâu quy hoạch các làng nghề. Qua đây chúng tôi kiến nghị với huyện và thành phố hỗ trợ nguồn vốn cho xã triển khai thực hiện, quan tâm đến vấn đề nước sạch của người dân, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để Nhị Khê đấu giá quyền sử dụng đất lấy kinh phí XDNTM".

Hoàng Văn - Nguyễn Hạ
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn