XDNTM ở Vĩnh Tường: Chú trọng chiều sâu và chất lượng

XDNTM ở Vĩnh Tường: Chú trọng chiều sâu và chất lượng
Những năm qua, nhờ chú trọng việc thực hiện các nghị quyết của tỉnh Vĩnh Phúc về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, đời sống của người dân Vĩnh Tường từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, phải đến khi đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo nông thôn Vĩnh Tường mới có sự thay đổi cơ bản về chất.
Chiều sâu các tiêu chí

Nếu lấy thời điểm 30/6/2011 làm mốc để triển khai thực hiện XDNTM thì lúc đó Vĩnh Tường chỉ có 22/26 xã đạt 5-8 tiêu chí; 4/26 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Nhưng chỉ sau gần 2 năm thực hiện chương trình, tính đến 31/12/2012,  huyện đã có 9/26 xã đạt 9-12 tiêu chí; 15/26 xã đạt 5-8 tiêu chí; chỉ còn 2/26 xã đạt dưới 5 tiêu chí. 

Đặc biệt, khi Chính phủ điều chỉnh 5 tiêu chí (chợ nông thôn, thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục, y tế), việc hoàn thành các tiêu chí XDNTM của Vĩnh Tường thuận lợi hơn nhiều và ngày càng đi vào chiều sâu. Ví dụ, tiêu chí nhà văn hoá thôn, nhiều địa phương trong tỉnh gặp khó khăn trong việc chọn địa điểm, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư... thì  26/26 xã của Vĩnh Tường đã cơ bản hoàn thành tiêu chí này, dự kiến tháng 9/2013 sẽ xong hoàn toàn. Tiêu chí giao thông nông thôn cũng sắp hoàn thiện. Đặc biệt là tiêu chí nghĩa trang, Vĩnh Tường đã xây dựng một mẫu chung về công viên nghĩa trang để bà con dễ thực hiện, theo đó, các nghĩa trang có cả phần mộ và phần hoả táng. 

Để góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo nội dung các tiêu chí, Vĩnh Tường cũng chú trọng nâng cao đời sống người dân bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, du nhập thêm nhiều nghề mới. 

Trước mắt, Vĩnh Tường phát huy lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - du lịch như: làng nghề rắn Vĩnh Sơn; chùa Tùng Vân - nơi có pho Phật ngọc lớn nhất Việt Nam; đền đá Phú Đa trên 3.000 năm tuổi (ngay đầu cầu Vĩnh Thịnh)... Dự kiến, tháng 6/2014, khi cầu Vĩnh Thịnh hoàn thành, 2 di tích độc đáo có một không hai trên cả nước này sẽ là điểm thu hút khách du lịch của huyện. Ngoài ra, Vĩnh Sơn còn có đền Và, đền Ngự Dội, là những di tích nổi tiếng trong vùng. Trong tương lai không xa sẽ xây dựng Quán thơ để tưởng nhớ nữ sỹ Hồ Xuân Hương và ông Phủ Vĩnh Tường ngay tại trung tâm huyện.

Đẩy nhanh tiến độ  

Xác định nhiệm vụ thời gian tới khá nặng nề, Vĩnh Tường đã kết hợp với tỉnh mở 14 lớp tập huấn cho 1.910 lượt người tham gia, với 3 nội dung chính: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về XDNTM; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, trong đó đặc biệt lưu ý các khoản phải huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân, cơ chế tài chính để XDNTM. Nhờ đó, người dân đã hiểu được vai trò, nhiệm vụ của mình trong XDNTM và tham gia đóng góp nhiệt tình. Sau 2 năm thực hiện chương trình, huyện đã huy động được 548,084 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trên 281 tỷ đồng; vốn đóng góp của người dân 12,556 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 0,998 tỷ đồng; nguồn hợp pháp khác 0,084 tỷ đồng.

Cứ với đà này, dự kiến năm 2014, Vĩnh Tường có thêm 5 xã đạt chuẩn là Vũ Di, Tân Cương, Bồ Sao, Cao Đại, Bình Dương; đến năm 2015 có thêm 5 xã Tuân Chính, Việt Xuân, Vĩnh Thịnh, Văn Xuân, Vĩnh Sơn đạt chuẩn NTM. Ban chỉ đạo XDNTM huyện khuyến khích và ủng hộ các xã thực hiện chương trình giai đoạn 2 có điều kiện phấn đấu hoàn thành trước thời gian theo kế hoạch đề ra. 

Huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của XDNTM. Chỉ đạo sát sao các thành viên Ban chỉ đạo; các phòng ban chuyên môn đánh giá chính xác thực trạng từng tiêu chí để có hướng chỉ đạo phù hợp; trước mắt, đôn đốc 3 xã điểm về đích như dự kiến. Xác định thứ tự ưu tiên các tiêu chí để thực hiện, trong đó đặc biệt ưu tiên đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức quản lý, điều hành cấp huyện, xã. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn; khu xử lý rác thải; quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và không làm ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa dân tộc…

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Tường cho biết: “Chúng tôi không chú trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí một cách hình thức và không phải hoàn thành 19 tiêu chí một cách hình thức là đã có NTM. Ngoài việc chú trọng hoàn thành bộ tiêu chí, chúng tôi còn quan tâm chiều sâu các tiêu chí để làm đổi thay về “chất” diện mạo nông thôn. Mặt khác, Vĩnh Tường sẽ quan tâm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn, công nghệ sau thu hoạch; chế biến sản phẩm; phát triển kết cấu hạ tầng; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; phát triển khoa học công nghệ; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và đổi mới các chính sách; XDNTM…”.

Dương Thu Hiên
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn