XDNTM ở Yên Bái: Kết quả bước đầu

XDNTM ở Yên Bái: Kết quả bước đầu
Khi bắt tay triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Yên Bái gặp khá nhiều khó khăn bởi đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn trên địa bàn còn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc huy động các nguồn lực đóng góp của người dân còn hạn chế. Nhưng không vì thế mà các địa phương trong tỉnh không tìm ra cách làm phù hợp. Dù mới ở chặng đường đầu tiên của chương trình nhưng Yên Bái đã gặt hái được nhiều thành công cũng như rút ra những bài học thực tế để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Xuất phát điểm thấp

Kết quả rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn ở 152 xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái theo 19 tiêu chí XDNTM thấy, chỉ có 1/152 xã đạt từ 14 - 8 tiêu chí là Tuy Lộc (TP.Yên Bái), chiếm 0,65%; 1/152 xã đạt từ 9 - 13 tiêu chí (chiếm 2,63%); 18/152 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí (chiếm 11,84%); 129/152 xã đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm 84,88%). Hiện chỉ có 50% số xã đạt tiêu chí về hệ thống điện, 40% số xã đạt tiêu chí về hệ thống chính trị, y tế, giáo dục, văn hóa; 100% số xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự xã hội. Các tiêu chí còn lại, các xã trên địa bàn gần như không đạt. 

Theo ông Mai Mộng Tuân, Chánh văn phòng điều phối XDNTM tỉnh: “Từ thực tế này có thể thấy, Yên Bái bước vào triển khai XDNTM với muôn vàn khó khăn khi hệ thống hạ tầng ở nhiều địa phương còn yếu và thiếu đồng bộ, đời sống của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, còn nhiều vất vả. Chính vì vậy, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy triển khai chương trình. Ngay sau khi có Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2010 - 2020, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện chương trình do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và kiện toàn bộ máy nhân sự trong Ban chỉ đạo; 152/152 xã thành lập Ban quản lý XDNTM cấp xã. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo chương trình cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, 15 - 20% số xã trên địa bàn đạt tiêu chí NTM”.

Yên Bái cũng lựa chọn 11 mô hình điểm về XDNTM để rút kinh nghiệm, học tập và nhân rộng cho các năm sau. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng 2 mô hình điểm (xã Đại Phác, huyện Văn Yên và xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên); 9 mô hình điểm tại địa phương, gồm: Tuy Lộc (TP.Yên Bái), Báo Đáp (huyện Trấn Yên), Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình), La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải), Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), Hát Lừu (huyện Trạm Tấu), Yên Hưng (huyện Văn Yên), Lâm Thượng (huyện Lục Yên), Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn). 

Đối với 2 xã điểm của tỉnh, Ban chỉ đạo giao Sở Nông nghiệp và PTNT trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ triển khai thực hiện, các mô hình còn lại do địa phương trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ. 

Song song đó, công tác tuyên truyền cũng được các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái quan tâm. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”, được đông đảo các cấp ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn nhiệt tình tham gia, hưởng ứng. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các sở ngành có liên quan tổ chức 17 lớp tập huấn cho 765 cán bộ tại 11 xã điểm.

Kết quả bước đầu

Với sự vào cuộc một cách đồng bộ và có hệ thống từ tỉnh xuống cơ sở, Yên Bái đã gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc XDNTM, các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc huy động sức dân cùng tham gia nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Điển hình như xã Đại Phác, từ năm 2011 đến nay, người dân trong xã đã hiến tổng cộng 13.916m2 đất, trong đó có 11.205m2 đất ở, 1.866m2 đất ruộng. Riêng năm 2012, cả xã có 80 hộ tham gia hiến đất mở đường với tổng diện tích 1.865,8m2. Nhờ đó, 11km đường trục chính và đường nội thôn trên tổng số 30km đường giao thông của xã đã được hoàn thiện, chủ yếu do nhân dân đóng góp. Từ chỗ chỉ có duy nhất trục đường chính được đổ bê - tông, đến nay, hơn 95% số tuyến đường liên thôn, xã của Đại Phác đã được bê - tông hóa. 

Ở Đại Phác, thôn Tân Thành được coi là điểm sáng trong phong trào hiến đất làm đường. Riêng năm 2012, người dân trong thôn đã hiến 1.768,4m2 đất, đóng góp hơn 25 triệu đồng để làm đường. Nhờ được tuyên truyền, hiểu được lợi ích của việc mở đường nên nhiều hộ sẵn sàng hiến đất với số lượng lớn như gia đình ông Vũ Văn Mậu hiến 135,5m2, ông Hoàng Tấn Minh 89,5m2, bà Nguyễn Thị Hường 74,3m2,… Tới thời điểm này, 100% đường nội thôn ở Tân Thành được bê - tông hóa. 

Hay ở huyện Văn Yên, các cấp chính quyền, hội đoàn thể đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn. Trong năm 2012, tổng giá trị thực hiện trên địa bàn đạt 68,34 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50,608 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 18,275 tỷ đồng. Từ nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân đóng góp, Văn Yên đã nâng cấp, rải nhựa, bê - tông hóa được 17,1km đường đến trung tâm các xã đạt tiêu chuẩn cấp V miền núi, nâng tổng số đường đạt chuẩn đường cấp V miền núi của huyện lên 214,1km, đạt 88,8%. Đồng thời làm được 104km đường liên thôn đạt tiêu chuẩn cấp A miền núi, nâng tổng số đường liên thôn đạt tiêu chuẩn cấp A miền núi toàn huyện lên 295km, đạt 78,86%. Huyện cũng đã kiên cố hóa, rải nhựa được 32,28km đường liên thôn, nâng tổng số đường liên thôn được kiên cố hóa toàn huyện lên 96,68km, đạt 50%. Đến nay, Văn Yên đã có mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh với tổng số 241km đường huyện, trên 379km đường xã và 400km đường thôn bản. Ông Tuân cho biết, những điểm sáng như thế có thể tìm thấy rất nhiều ở Yên Bái.

Cũng theo ông Tuân, đến nay, 152 xã trên địa bàn đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch NTM cấp xã và đã được UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt đồ án quy hoạch; 130/152 xã hoàn thành đề án XDNTM, làm tiền đề cho việc triển khai các chương trình, dự án. Năm 2012, tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình XDNTM trên địa bàn Yên Bái là 28.264 triệu đồng (năm 2011 là 21.562 triệu đồng).

Để thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động, các địa phương trong tỉnh rất coi trọng công tác đào tạo nghề. Đến nay, tỉnh đã đào tạo nghề cho 11.324 lao động nông thôn; bồi dưỡng kiến thức cho 1.730 công chức xã; xây dựng thí điểm 15 mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn tại các xã trên địa bàn. 

Sau hai năm triển khai XDNTM, tỷ lệ số xã đạt dưới 5 tiêu chí từ 87,5% giảm xuống 67,76%, các xã cơ bản đều tăng được từ 3-4 tiêu chí/năm, trong đó có 1 xã đạt chuẩn từ 14-18 tiêu chí; 8 xã đạt chuẩn từ 9-13 tiêu chí; 40 xã đạt 5-8 tiêu chí; 103 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Tuy nhiên, ông Tuân cho rằng, quá trình XDNTM ở Yên Bái đang gặp nhiều khó khăn do điểm xuất phát của tỉnh thấp, các xã chủ yếu đạt các tiêu chí về hệ thống chính trị, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, tiêu chí về cơ sở hạ tầng, kinh tế phần lớn chưa đạt. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về chương trình chưa đầy đủ, vẫn còn tâm lý thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; cán bộ cơ sở và nhân dân còn lúng túng trong cách làm và trong huy động nguồn lực; vấn đề tăng thu nhập đầu người để đảm bảo gấp 1,2 lần so với bình quân chung của tỉnh và giảm cơ cấu lao động nông nghiệp xuống còn dưới 45% gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, theo ông Tuân, để triển khai chương trình hiệu quả, đề nghị ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện; đồng thời sửa đổi một số tiêu chí cho phù hợp, ví dụ tiêu chí số 10 (thu nhập) đề nghị quy định mức cụ thể về bình quân thu nhập của người dân nông thôn đối với các tỉnh miền núi phía Bắc; tiêu chí số 7 (chợ nông thôn), đề nghị không nhất thiết mỗi xã phải có một chợ nông thôn.
Về các giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Yên Bái sẽ nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền XDNTM gắn với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện Ban chỉ đạo các cấp thực hiện chương trình; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng và đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ XDNTM, nhất là cán bộ xã, thôn, bản; chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tập thể và đẩy mạnh liên kết sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã trên cơ sở lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu đang được triển khai trên địa bàn; kết hợp giữa ưu tiên chỉ đạo điểm và triển khai trên diện rộng, theo đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho 20% số xã đã đăng ký và có khả năng phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2015.

 

Hai năm qua, Yên Bái đã huy động khoảng 600 tỷ đồng để thực hiện cứng hóa 62km kênh mương nội đồng, xây dựng 63 công trình văn hóa, 62 công trình thể thao, tổ chức 72 điểm thu gom rác thải…; xây dựng được 30 mô hình sản xuất tại 29 xã đăng ký đạt chuẩn vào năm 2015, trong đó có một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: hỗ trợ trâu cái sinh sản luân chuyển giữa các hộ ở Lục Yên, nuôi cá nheo trong lồng trên hồ Thác Bà, trồng thanh long ruột đỏ tại Yên Bình…


Khánh Nguyên (linhtenonghton.com.vn)