XDNTM tỉnh Điện Biên: Ưu tiên hỗ trợ các xã có khả năng sớm đạt chuẩn
- Thứ hai - 16/01/2017 03:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Qua 6 năm thực hiện, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhân dịp đầu năm mới 2017, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Lò Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo Chương trình MTQGXDNTM tỉnh về vấn đề này.
Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật sau 6 năm thực hiện Chương trình MTQGXDNTM trên địa bàn?
Thực hiện Chương trình MTQGXDNTM giai đoạn 2011-2016, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng, các đoàn thể quần chúng từ tỉnh, huyện đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động như: tuyên truyền vận động, thành lập ban chỉ đạo các cấp, xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện... Đề án XDNTM đã được triển khai tại 116/116 xã, thuộc 10 huyện, thị, thành phố.
Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 4/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới (các xã Thanh Chăn, Noong Hẹt của huyện Điện Biên; Ẳng Nưa của huyện Mường Ẳng; Thanh Minh của TP.Điện Biên Phủ); 4 xã cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí (các xã Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Xương - huyện Điện Biên; xã Nay Lưa - TX.Mường Lay), chiếm 3,44%. Các huyện có số tiêu chí bình quân/xã đạt khá gồm: TP. Điện Biên Phủ 15 tiêu chí/xã; thị xã Mường Lay 17 tiêu chí/xã; huyện Điện Biên 8,8 tiêu chí/xã; huyện Mường Chà 6,2 tiêu chí/xã. Các huyện còn lại bình quân đạt từ 4,6-5,3 tiêu chí/xã.
Đâu là những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình và giải pháp tháo gỡ như thế nào, thưa ông?
Thuận lợi lớn nhất khi triển khai Chương trình MTQGXDNTM là chúng tôi nhận được sự đồng lòng của cán bộ, sự ủng hộ của nhân dân. Ngay từ thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình, trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, Điện Biên đã có sẵn một hệ thống chính trị vững mạnh tại các thôn xã, giúp chương trình được triển khai kịp thời, chất lượng. Ngoài ra, an ninh trật tự thôn, xóm được đảm bảo, là nền tảng quan trọng để hướng tới các tiêu chí khác của chương trình. Trong quá trình thực hiện, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan, ban ngành Trung ương, sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm tận tình của các tỉnh bạn.
Do Điện Biên có xuất phát điểm thấp, tại thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình, tỷ lệ hộ đói nghèo bình quân khu vực nông thôn của tỉnh vẫn còn ở mức cao (33,5%), đời sống của nông dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chưa kể, Điện Biên cũng là tỉnh hằng năm chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ lụt, mưa rét… gây thiệt hại lớn, nhất là với địa bàn vùng sâu vùng xa.
Khó khăn lớn nhất khi Điện Biên thực hiện Chương trình XDNTM là tiến độ thực hiện các tiêu chí còn chậm. Cơ sở hạ tầng của các xã (đặc biệt là đường giao thông) tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Việc triển khai tổ chức thực hiện chương trình còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn; trình độ, năng lực của cán bộ cấp xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn nhiều hạn chế, chưa chủ động được trong công việc... Nguồn lực thực hiện XDNTM chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, nguồn lực huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để XDNTM còn rất thấp.
Xin ông cho biết, mục tiêu đến hết năm 2020, Điện Biên phấn đấu có bao nhiêu xã đạt chuẩn NTM và trong năm 2017, những lĩnh vực nào được ưu tiên thực hiện?
Làm đường GTNT ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.
Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Điện Biên tiếp tục triển khai đồng bộ chương trình trên địa bàn 116 xã, trong đó ưu tiên chỉ đạo, hỗ trợ cho các xã có khả năng sớm đạt chuẩn NTM. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 2/10 huyện, thị, thành phố (thành phố Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay) đạt chuẩn NTM; 35 xã đạt các tiêu chí cơ bản của xã NTM (15-19 tiêu chí); không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí; 100% số xã hoàn thành các tiêu chí về quy hoạch, bưu điện, an ninh trật tự xã hội; 95% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện. Chất lượng và nội dung của các tiêu chí được nâng lên.
Tỉnh cũng phấn đấu thu nhập bình quân đạt 18,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 41,4%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,8%...
Riêng trong năm 2017, Điện Biên duy trì giữ vững 8 xã đạt chuẩn NTM (Thanh Chăn, Noong Hẹt, Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh Luông - huyện Điện Biên; Thanh Minh - TP.Điện Biên Phủ; Ảng Nưa - huyện Mường Ảng; Lay Nưa - thị xã Mường Lay) và có thêm 7 xã cơ bản đạt chuẩn NTM (15-19 tiêu chí), gồm: Thanh Yên, Thanh An, Pom Lót, Mường Phăng, Thanh Nưa (huyện Điện Biên); Tà Lèng (TP.Điện Biên Phủ), Sín Thầu (huyện Mường Nhé). Số tiêu chí đạt bình quân là 6,73 tiêu chí/xã.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 2/10 huyện, thị, thành phố (thành phố Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay) đạt chuẩn NTM mới; 35 xã đạt các tiêu chí cơ bản của xã NTM (15-19 tiêu chí); không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí; 100% số xã hoàn thành các tiêu chí về quy hoạch, bưu điện, an ninh trật tự xã hội; 95% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện. |
Theo: Đỗ Hùng - Bảo Loan/kinhtenongthon.com.vn