Xã 135 đạt chuẩn nông thôn mới

Bằng sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền, nhân dân cùng những cách làm sáng tạo, sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Côn Lôn, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Nhà văn hóa thôn 1, xã Côn Lôn, Na Hang được hoàn thành tạo điều kiện cho nhân dân có nơi sinh hoạt.

Nằm cách thị trấn Na Hang hơn 50 km, xã Côn Lôn nhiều năm là địa phương thuộc diện phải nhận hỗ trợ từ Chương trình 135, tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn nằm trong tốp cao nhất huyện Na Hang. 

Với địa thế bốn bề là núi, diện tích đất trồng lúa và trồng cây màu rất ít khiến việc phát triển kinh tế của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến cơ sở hạ tầng nông thôn của xã Côn Lôn còn thiếu thốn, lạc hậu.

Chủ tịch UBND xã Côn Lôn, Nguyễn Xuân Bạch chia sẻ, đến năm 2014, tức là sau hơn 3 năm xây dựng nông thôn mới nhưng Côn Lôn thực sự vẫn còn rất nhiều khó khăn, hệ thống cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa đồng bộ: Trường học, nhà công vụ vẫn còn tạm bợ, thu nhập bình quân đầu người thấp, toàn xã còn gần 200 hộ nghèo chiếm khoảng 41% dân số. Do đó, việc chọn Côn Lôn để xây dựng xã điểm nông thôn mới thực sự là một thử thách lớn của chính quyền cũng như nhân dân xã Côn Lôn.

Khó khăn là thế nhưng những ngày này trở lại Côn Lôn, chúng tôi không còn thấy những con đường đất trơn trượt nữa, thay vào đó là hơn 22 km đường bê tông nối dài đến tận nhà dân. Được biết, các tuyến đường này đều phải đi qua đất sản xuất của các hộ dân nhưng vì mục tiêu chung mà hàng trăm hộ dân đã tự nguyện hiến đất, trong đó có những hộ gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn.

Cán bộ khuyến nông xã Côn Lôn, Na Hang hướng dẫn trồng ngô vụ đông nâng cao thu nhập.

Anh Nguyễn Quảng Dư, Trưởng thôn Đon Thài, xã Côn Lôn cho biết: Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai từ năm 2011 được nhân dân rất ủng hộ. Đặc biệt là chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã nhận được sự đồng tình của nhân dân, vì mục tiêu chung mà toàn thôn có đến 25 hộ gia đình tự nguyện hiến đất làm đường. Các tuyến đường giao thông nội thôn được bê tông hóa đã tạo điều kiện cho cho nhân dân đi lại và đưa máy móc đến nơi sản xuất thuận tiện hơn.

Tại thôn 1 và 2 , nhân dân đều vui mừng khi cây cầu bắc qua suối Nậm Mường được hoàn thành. Anh Nguyễn Văn Toại, thôn 2, xã Côn Lôn vui vẻ cho biết, bây giờ đã có cầu, nhân dân nơi đây rất mừng vì từ nay, việc đi lại sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, vào mùa mưa học sinh sẽ yên tâm đến lớp. Trước đây, khi chưa có cầu, vào mùa mưa việc đi lại rất khó khăn, bởi nếu muốn vào UBND xã hoặc đi sang các thôn khác phải đi đường vòng hoặc lội suối, rất nguy hiểm, các cháu nhỏ phải nghỉ học.

Xây dựng nông thôn mới là để cuộc sống người nông dân được đầy đủ hơn, ấm no hơn. Nhận thức được điều đó chính quyền xã Côn Lôn đã xác định tiêu chí thu nhập là tiêu chí quan trọng nhất nhưng cũng là tiêu chí khó thực hiện nhất. Côn Lôn đã phát huy hiệu quả các nguồn vốn của nhà nước, ngoài ra, xã cũng vận động nhân dân tích cực xây dựng các phương án phát triển sản xuất như đẩy mạnh trồng cây vụ đông, chủ động vay vốn đầu tư vào chăn nuôi trâu bò, dê, lợn, tham gia sản xuất. 

Đặc biệt là đẩy mạnh phong trào giúp nhau thoát nghèo của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người tại xã đạt 22,34 triệu đồng/năm, nhiều hộ trong xã không chỉ thoát nghèo mà vươn lên thành hộ khá.

Chủ tịch UBND xã Côn Lôn, Nguyễn Xuân Bạch chia sẻ: "Là xã thuộc diện 135 mà hoàn thành được 19/19 tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới quả thật là kỳ tích. Kết quả đó trước hết là sự đồng thuận của nhân dân, bởi trong 40 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã thì nhân dân đóng góp 6,4 tỷ đồng. Một trong những cách làm hay của xã là cho rà soát đến từng thôn bản về các tiêu chí, từ đó tổng hợp và xây dựng lộ trình thực hiện từng tiêu chí cho riêng từng thôn, bản. Cán bộ xã, thôn phải đến từng gia đình để vận động bà con thực hiện, ngoài ra phải kết hợp và phát huy vai trò của các tổ chức hội khác như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...".

Chương trình nông thôn mới đã thực sự tạo ra một động lực lớn để người dân vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Một năm mới sắp bắt đầu, Côn Lôn sẽ không còn là xã thuộc diện 135 nữa. Những cách làm từ quá trình xây dựng nông thôn mới ở Côn Lôn, huyện Na Hang, Tuyên Quang sẽ là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương trong cả nước trong quá trình nâng cao đời sống người nông dân.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Tý (TTXVN)