Xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa: Khởi sắc nhờ xuất khẩu lao động

Những năm gần đây, phong trào xuất khẩu lao động ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển. Từ nguồn vốn xuất khẩu lao động (XKLĐ) gửi về cho gia đình, người thân, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng. Bộ mặt nông thôn một xã nghèo vùng cao đang ngày càng đổi mới…
 

Từ những năm 2003 - 2004, xã Cẩm Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp nhân dân nhận thức đầy đủ về XKLĐ; đồng thời quan tâm tuyển chọn nguồn lao động có chất lượng, định hướng nghề, đào tạo ngoại ngữ cho người có nguyện vọng đi XKLĐ. Chín tháng đầu năm 2012, toàn xã có 118 lao động đi xuất khẩu và hàng chục lượt lao động chờ xuất cảnh. Đến nay, đã có 350 lao động đến những thị trường tiềm năng như: Đài Loan, Ma-lai-xi-a… Mỗi năm, tổng nguồn thu hàng chục tỉ đồng từ XKLĐ giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, tập trung vốn phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững.

Đa phần, những người đi XKLĐ đều thuộc diện hộ nghèo. Sau khi vay vốn từ ngân hàng, với bản tính cần cù, chịu khó, lại được giáo dục định hướng, tuyển chọn kĩ càng, sớm tiếp ứng với môi trường làm việc ngoài nước, công việc ổn định, thu nhập lại cao. Ngoài các khoản sinh hoạt hằng ngày, người lao động tích lũy và chuyển tiền về giúp gia đình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Số tiền mỗi lao động gửi về đều trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Với lợi thế địa hình đồi núi, đất đai rộng rãi, nhiều hộ có người thân đi XKLĐ mở rộng mô hình gia trại, trang trại phát triển kinh tế, trả được nợ, thoát nghèo, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Những năm trước đây, đời sống của người dân nơi đây còn khó khăn, vất vả bởi còn nhiều hộ nghèo, hộ đói. Từ hiệu quả thực tế mà những người đi XKLĐ mang lại, đã thu hút một số lượng lớn lao động là bạn bè, người thân, họ hàng… cùng tham gia. Hiện Cẩm Bình có 2.353 hộ, 10.864 nhân khẩu nhưng chỉ còn 295 hộ nghèo (chiếm 12%). Hầu hết những gia đình có người đi XKLĐ đều có nhà cửa khang trang, kinh tế khá giả, con cái có điều kiện học tập tốt. Ông Phạm Văn Chiến, thôn Sẻ cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn. Kinh tế gia đình ngoài nguồn thu từ mấy sào lúa năm được, năm mất thì chẳng có nguồn thu nhập nào khác. Cuối 2004, gia đình tôi được UBND xã tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để vợ đi Đài Loan. Công việc ổn định, hằng tháng vợ tôi gửi tiền về. Sau vài năm, vừa trả hết nợ, vừa tích lũy, chúng tôi xây nhà, mua xe máy và nhiều đồ dùng cần thiết. Tôi đầu tư mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều, con cái được học hành đến nơi đến chốn”. Bà Nguyễn Thị Nga có chồng đi XKLĐ ở Ma-lai-xi-a vui vẻ: “Mỗi năm gia đình có nguồn thu gần 100 triệu đồng, cuộc sống ổn định. Tôi phát triển kinh tế trang trại, nuôi gà và trồng vải, mỗi năm thu lời gần 50 triệu đồng”.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết: “Phong trào đi XKLĐ ở địa phương phát triển mạnh. Trong làng, trong xã ai cũng nói chuyện, bàn cách đi XKLĐ để làm giàu.Để phong trào đi XKLĐ ngày càng thu hút lao động tham gia, Ban Chỉ đạo XKLĐ xã thường xuyên tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ và nhân dân. Liên hệ với các ngân hàng hỗ trợ vay vốn và hướng dẫn người dân thực hiện cam kết. Phối hợp với doanh nghiệp dạy ngoại ngữ cho người đi XKLĐ”.

“Nghề” xuất khẩu lao động đã đem lại nguồn kinh tế lớn cho Cẩm Bình hôm nay. Đây là cánh cửa thoát nghèo để bộ mặt một xã vùng cao thay da đổi thịt, tự tin vươn mình trước sự đổi thay của quê hương, đất nước

Nguyễn Trang
Theo 
nguoicaotuoi.org.vn