Xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa: Hoạt động NCT còn lắm gian nan

Xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa: Hoạt động NCT còn lắm gian nan
Có về những bản làng ở xã vùng sâu, vùng xa như Cổ Lũng mới thấu hiểu và chia sẻ hết những khó khăn, vất vả của địa phương và Hội NCT. Đó cũng là khó khăn chung của Hội NCT cấp cơ sở trong cả nước, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi được coi là “cái rốn của công việc”, gần hội viên và thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nhất…
 
 

Gian nan vùng sâu, vùng xa

Là xã nghèo thuộc một trong những huyện nghèo nhất cả nước, cơ sở hạ tầng xã Cổ Lũng chưa đồng bộ, hệ thống điện, trường còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao: 42,35%. Trong 5.000ha đất tự nhiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông chiếm hơn 2.117ha; chỉ có 165,5ha đất trồng lúa 2 vụ và 13,3ha cấy được 1 vụ; thu nhập bình quân đầu người hiện mới đạt 5,2 triệu đồng/người/năm. Cả trục đường giao thông chính của xã vẫn phải chịu cảnh trơn lầy về mùa mưa, bụi, xóc khi mùa khô… Xã trích một phần kinh phí ít ỏi, huy động thêm sức dân vốn đã khó khăn… đổ hàng trăm xe đá chống trơn trượt mỗi năm nhưng cũng chỉ tạm thời; khi mưa to, hệ thống “chống trơn” đó lại bị nước cuốn trôi hết, đường trơn lại hoàn trơn. Còn đường thôn xóm thì phấn đấu lắm cũng chỉ bê-tông hóa được 1km/năm! Chính quyền loay hoay mà đến nay mới gần đạt tiêu chí thứ ba về xây dựng nông thôn mới. Do địa hình chia cắt, cần nhiều cầu, cống bắc qua sông, suối… lãnh đạo xã vận động nhân dân đóng góp công, góp sức, tự thiết kế, thi công tiết kiệm hàng chục triệu đồng/cầu. Dự án đường giao thông Ban Công - Cổ Lũng, trục đường chính đi qua xã 18km trị giá 300 tỉ đồng cũng phải tạm dừng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Nhân dân vùng lõi Khu Bảo tồn thiếu đất sản xuất. Số thanh niên đi làm ăn xa tăng nhanh, chiếm 12 - 13% dân số, ở nhà chỉ còn trẻ em và người già…

Ông Lục Văn Tỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Lũng trăn trở: Địa hình xã chủ yếu núi đá vôi, dân cư rải rác nên khó quy hoạch tập trung. Thế mạnh của xã là phát triển đàn gia súc, chăn nuôi các loại cây, con truyền thống của địa phương có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, chăn nuôi nhốt vừa cần mặt bằng làm chuồng trại, vừa phải có diện tích trồng cỏ, trong khi chi phí thức ăn cao, vấn đề môi trường nhiều bất cập… Cây mía cũng đang là thế mạnh của địa phương, nhưng muốn phát triển phải có đường giao thông thuận tiện cho xe ra vào thu mua vận chuyển. Trong khó khăn, chúng tôi xác định bảo đảm an ninh lương thực là nhiệm vụ hàng đầu. 

Làm đường giao thông nông thôn.

 

Trăn trở của người cao tuổi

Còn công tác Hội NCT thì sao? Ông Lục Văn Nhuân, Chủ tịch Hội NCT xã cho biết: Xã có 446 hội viên NCT sinh hoạt ở 12 chi hội thôn bản. Ban Chấp hành Hội và các chi hội giao ban định kì 4 lần/năm nắm bắt tâm tư nguyện vọng hội viên và triển khai các mặt công tác. Hằng tuần, thường trực Hội cơ sở tiếp nhận thông tin báo cáo của chi hội, những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; phối hợp với MTTQ, các ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở thực hiện công tác NCT trên địa bàn xã. Tuy nhiên, ở Cổ Lũng, đời sống NCT gặp nhiều khó khăn, đa phần sống phụ thuộc vào con cháu, không có nguồn vốn riêng tự lập. Nhiều cụ đã 70, 80 tuổi vẫn lao động sản xuất như cày bừa, cắt cỏ bò, nuôi cá… mong có thêm thu nhập.

Tham gia xây dựng nông thôn mới, NCT rất hào hứng, phấn khởi, nêu gương sáng vận động con cháu áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế; xây dựng giao thông nông thôn... nhưng cũng “bó cái khôn” vì còn rất nhiều “cái khó”. Dân nghèo, hội viên nghèo nên việc huy động các nguồn quỹ gặp không ít khó khăn. Hiện Quỹ chi hội có 17 triệu đồng, Quỹ Chăm sóc NCT 10 triệu đồng. UBND chỉ có thể hỗ trợ ít kinh phí cho các hoạt động thường kì của Hội như sơ kết, tổng kết, kỉ niệm… Lãnh đạo địa phương phải huy động mỗi hộ đóng góp 2kg thóc/năm gây quỹ cho các cụ hoạt động! Hội NCT xã không có phòng làm việc, chỉ ghé làm việc trong hội trường UBND xã những ngày không có hội họp. Cả xã chưa có CLB của NCT. Với hội viên thì lo đủ ăn, đủ mặc đã khó, đâu có thời gian và tâm trí hoạt động CLB? Còn với Hội kinh phí eo hẹp, làm sao đẩy mạnh được phong trào? Phụ cấp cho cán bộ làm công tác Hội cũng còn nhiều bất cập. Chủ tịch Hội NCT được hệ số 0,7 chưa bằng mức trợ cấp cho các phó đoàn thể khác; Chi hội trưởng được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng… Trong khi ở cơ sở, từng công việc cụ thể với hội viên, chi hội… đều cần triển khai đầy đủ, kịp thời.

Những khó khăn trên của xã Cổ Lũng nói riêng và các xã nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước đang rất cần sự quan tâm chung tay tháo gỡ của các cấp, các ngành

Thanh Hà

Nguồn nguoicaotuoi.org.vn