Xã Phương Độ (Hà Giang): Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Xã Phương Độ (Hà Giang): Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Sau 2 năm (từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2012), xã Phương Độ, thành phố Hà Giang tổ chức triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), trên địa bàn xã đã có nhiều đổi thay, đạt được 7/19 tiêu chí về nông thôn mới.

 

 Đường giao thông nông thôn xã Phương Độ được bê tông hóa 
đến tận nhà dân
 

Khi bước vào thực hiện chương trình (đầu năm 2011) xã Phương Độ gặp khá nhiều khó khăn, do địa hình của xã chia làm 2 vùng rõ rệt (5 thôn thuộc vùng cao, 4 thôn và một tổ dân phố thuộc vùng thấp); điểm xuất phát, mặt bằng dân trí, kinh tế còn thấp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao (trên 16,07%)…Mặt khác, nguồn vốn đầu tư của Nhà nuớc chưa thể đáp ứng nhu cầu của địa phương. Lãnh đạo xã và người dân tại các thôn, bản còn chưa hiểu về mục đích, ý nghĩa của chương trình XDNTM. Đây chính là một khó khăn, trở ngại lớn của xã trong quá trình triển khai, xây dựng và phát triển nông thôn mới.

 

Từ thực tiễn đó, khi bước vào triển khai XDNTM, xã Phương Độ đã được sự quan tâm, chỉ đạo của thành phố Hà Giang và Ban chỉ đạo Chương trình XDNTM của tỉnh. Trong quá trình xây dựng Đề án, thành phố Hà Giang đã chỉ đạo các phòng chức năng cùng phối hợp với lãnh đạo xã nhằm xây dựng Đề án một cách chi tiết, cụ thể trên cơ sở lấy ý kiến tham gia của cán bộ xã và người dân tại các thôn, bản. Từ cách làm thực tế đó đã giúp Đề án hoàn thành với các giải pháp, cách thức tiến hành sát với yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với trình độ dân trí và các điều kiện thực tiễn của địa phương, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo người dân.

Trong quá trình triển khai XDNTM, nhằm đạt hiệu quả cao nhất, xã Phương Độ đã thành lập Ban chỉ đạo XDNTM với sự tham gia của các ngành và các đoàn thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách các thôn, bản. Đồng thời tập trung chủ yếu vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương, ý nghĩa của quá trình XDNTM đến từng thôn, bản và các hộ gia đình. Đặc biệt, công tác tuyên truyền của xã tập trung vào vận động nhân dân hiến đất để mở đường giao thông nông thôn; tham gia đóng góp ngày công lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân; chỉnh trang nhà cửa và vệ sinh môi trường nông thôn; chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà ở… Để triển khai thực hiện hiệu quả các hạng mục trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và phát huy quyền dân chủ trong giám sát của quần chúng nhân dân, xã Phương Độ thực hiện phương châm: Dân biết, dân được bàn và dân tự kiểm tra.

Đồng chí Nguyễn Văn Nâm, Phó Chủ tịch UBND phụ trách chương trình XDNTM của xã Phương Độ cho biết: Từ những kết quả trong công tác chỉ đạo về XDNTM của lãnh đạo xã, sự hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng của thành phố Hà Giang, sau 2 năm triển khai XDNTM, xã Phương Độ đã đạt được 7/19 tiêu chí về XDNTM. Cũng trong 2 năm triển khai XDNTM, xã Phương Độ đã hoàn thành bê tông hoá được 1.675 m đường giao thông liên thôn; 4.306 m đường bê tông vào các hộ gia đình; xây dựng được 77 công trình nhà vệ sinh; di chuyển 23 chuồng trại gia súc ra xa nhà; láng và bó nền nhà ở cho 241 hộ gia đình; hoàn thành 01 nhà văn hoá xã và 4 nhà văn hoá thôn; xây dựng thành công làng văn hoá du lịch cộng đồng tại thôn Tha. Cũng trong 2 năm triển khai XDNTM, người dân của xã Phương Độ đã đóng góp được 4.128 ngày công (tương đương với 947 triệu đồng) để làm các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương. Ngoài ra, sau 2 năm triển khai chương trình XDNTM, xã Phương Độ đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 16,07% vào đầu năm 2011 xuống còn 5,48% vào cuối năm 2012.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Nâm: Để hoàn thành 19 tiêu chí về XDNTM, trong năm 2013 xã Phương Độ sẽ triển khai và hoàn thành dứt điểm 2 nội dung về XDNTM là hoàn thiện các tiêu chí về đường giao thông nông thôn và tiêu chí về nhà sạch - vườn đẹp tại 5 thôn. Tiếp tục triển khai thực hiện các tiêu chí về XDNTM tại 5 thôn vùng cao. Đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn của toàn xã nhằm không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước và huy động sức dân để phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên cả 5 thôn vùng cao và 5 thôn vùng thấp thuộc địa bàn của xã.

Phạm Văn Phú
Theo cpv.org.vn