Xã Thượng Vực - Chương Mỹ: Bừng sáng xây dựng Nông thôn mới

Xã Thượng Vực - Chương Mỹ: Bừng sáng xây dựng Nông thôn mới
Về với xã Thượng Vực (Chương Mỹ - Hà Nội) hôm nay ai cũng nhận thấy sự thay da đổi thịt của một xã thuần nông, những con đường bê tông xanh, sạch, đẹp, diện mạo và bộ mặt nông thôn đã và đang khởi sắc

Đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập đạt 33,2 triệu đồng/ người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn lại 1,7%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên ở mức 95%, lao động qua đào tạo là 41,8% và trên 85% số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Đó là thành quả và sự đồng thuận, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thượng Vực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Xã Thượng Vực vui mừng đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới và Đảng ủy - HĐND - UBND đạt danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trong tâm có ý nghĩa hết sức quan trọng, một chương trình tổng thể mang tính dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội - chính trị, an ninh quốc phòng ở nông thôn. Vì vậy, Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Thượng Vực đã xác định nhiệm vụ và quyết tâm thực hiện hoàn thành. Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về XDNTM, để lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời thanh lập Ban Chỉ đạo XDNTM của xã, Tiểu ban phát triển các thôn.

Các ban đã triển khai rà soát, đánh giá thực trạng đối với các tiêu chí, từng bước xây dựng đề án quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, đặc thù của từng thôn, tiến hành thực hiện trình tự các bước nhằm đảm bảo ổn định theo từng tiêu chí cho từng năm với phương châm “Phát huy vai trò của người dân làm chủ thể, Nhà nước hỗ trợ, cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành”. Các tổ chức, đoàn thể bằng tinh thần và trách nhiệm của mình, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân. Tổ chức họp bàn, đưa ra kế hoạch triển khai, thảo luận và đóng góp ý kiến theo nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Xây dựng đường giao thông nông thôn.

Thực tế cho thấy, bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí của thành phố và huyện theo đề án. Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM xã và các thôn đã tích cực vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, ủng hộ kinh phí để làm đường giao thông nông thôn, các công trình thiết chế văn hóa, đã có 28 hộ gia đình của thôn An Thượng, An Mỹ hiến đất thổ cư làm đường giao thông với tổng số diện tích đất hiến của các hộ là 300m2.

Trong công tác dồn điền đổi thửa, nhân dân trong xã đã hiến 67.462m2 đất nông nghiệp để làm đường giao thông thủy lợi nội đồng và XDNTM, quy hoạch xây dựng khu trung tâm văn hóa xã, trường mầm non, diện tích đất dự nguồn, đất đấu giá quyền sử dụng đất để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng. Đã có nhiều cá nhân ủng hộ kinh phí xây dựng đường làng ngõ xóm, thiết chế văn hóa với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Nghĩa trang liệt sĩ được quy hoạch, xây dựng mở rộng, khang trang sạch đẹp cũng như các nghĩa trang nhân dân ở các thôn được chỉnh trang, quy hoạch theo hướng văn minh.

Nông dân áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nên sản phẩm nông nghiệp đã tăng năng suất.

Trong hơn 5 năm thực hiện chương trình quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tổng kinh phí được thực hiện các chương trình trên là 62,54 tỷ đồng. Cùng với sự nỗ lực và phấn đấu, sự quan tâm hỗ trợ kinh phí từ cấp trên, sự đóng góp và hiến đất của nhân dân đã thực hiện và nâng cấp được 100% đường giao thông liên xã và 80% đường giao thông liên thôn được cứng hóa.

Xã đã sửa chữa, làm mới toàn bộ hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng với chiều dài 47km, thay mới 1.200m cống tưới tiêu và thực hiện dải sỏi cơ bản đường giao thông nội đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân với tổng kinh phí đầu tư 25,1 tỷ đồng (trong đó đầu tư giao thông nội đồng 10,6 tỷ đồng, giao thông nông thôn 14,5 tỷ đồng), hệ thống điện dân sinh được cải tạo và nâng cấp theo dự án RE2 với toàn bộ hệ thống đường dây hạ thế được thay mới, bổ sung 02 trạm biến áp với tổng kinh phí thực hiện trên 14 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất của người dân. Cơ sở vật chất văn hóa với 5/5 nhà văn hóa được xây dựng với mức kinh phí 1,4 tỷ đồng, ngoài ra các tiêu chí khác như trường học, bưu điện, môi trường, y tế… đều đảm bảo đúng theo tiêu chí đề ra.

Qua trao đổi với đồng chí Nguyễn Bá Sâm - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thượng Vực là xã thuần nông với 1.715 hộ dân sinh sống, đời sống thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, kết hợp với một số nghề phụ như may công nghiệp, mộc nghề, mây giang đan xuất khẩu. Với vị trí địa lý cách xa các tuyến đường giao thông cũng như các trung tâm kinh tế văn hóa xã hội, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Song, Thượng Vực đã thành công trong XDNTM. Bài học ở đây là vừa tuyên truyền vận động, vừa khéo huy động sức dân, để người dân thực sự là chủ thể trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để Thượng Vực tiếp tục phát triển, tạo nên bước đột phá mới theo hướng ổn định bền vững, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại văn minh và giàu đẹp.


Tác giả bài viết: Lê Hồng/KD&PL

Nguồn tin: giadinhphapluat.vn