Xã Yang Tao, nơi tiềm năng còn bỏ ngỏ

Xã Yang Tao, nơi tiềm năng còn bỏ ngỏ
Thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho xã Yang Tao (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) nhiều cảnh quan đẹp và đậm nét đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên với bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc của làng nghề cổ truyền thống.

 


 

Tuy nhiên, tiềm năng trên chưa được khai thác hiệu quả.

tr3d.jpg
Làm gốm tại Buôn Dơng Bắc, xã Yang Tao, huyện Lắk là một trong những nghề truyền thống.

Tiềm năng du lịch

Hồ Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên, nổi tiếng đẹp, một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của Tây Nguyên, lớn thứ hai Việt Nam (sau hồ Ba Bể); vào mùa mưa, diện tích hồ có thể lên tới 700 - 900ha. Dưới cái nắng, cái gió, hồ Lắk như dải lụa thiên thanh mềm mại, thơ mộng và quyến rũ giữa núi rừng đại ngàn. Vì “cảm” với hồ mà vị cựu hoàng đế Bảo Đại đã cho xây dựng tại đây Biệt điện của riêng mình để nghỉ ngơi, săn bắn và ngắm cảnh.

Cách Hồ Lắk không xa, giữa thung lũng hiểm trở của dãy núi  Chư Yang Sin là dòng thác Bìm Bịp (thác Liêng Bôk Sak), cao gần 20m (là di tích quốc gia), dòng nước ngày đêm dội qua từng tầng đá tạo nên ngọn thác hùng vĩ với bốn tầng thác cao, thấp chảy suốt bốn mùa… Gần đó là tảng Đá Voi Yang Tao được mệnh danh  “lớn nhất Việt Nam”, tựa như chú voi khổng lồ đang ngủ giữa rừng núi đại ngàn, ẩn chứa những điều huyền bí với truyền thuyết “hòn đá biết đi” .

Tại buôn Dơng Băk (Yók Đuôn), nghề gốm cổ đã tạo ra những sản phẩm hoàn toàn được làm thủ công. Quy trình sản xuất gốm cổ rất dày công, nhiều công đoạn, nguyên liệu để chế tác là loại đất sét được lấy ở Đak Sang (nơi có nước sạch). Nghệ nhân không dùng bàn xoay mà nặn bằng tay và di chuyển xung quanh vật để tạo dáng, dùng đá đánh bóng, tạo họa tiết hoa văn…; tạo màu cho sản phẩm bằng vỏ trấu và mùn cưa… Vì nét độc đáo riêng mà sản phẩm gốm của buôn Dơng Bắk rất khác biệt, được nhiều người ưa chuộng.

tr3da.jpg
 

Hồ Lắk tạo vẻ thích thú cho du khách.

Nghệ nhân Yo Khoanh mân mê chiếc nồi gốm trên tay chia sẻ: “Tôi và một số nghệ nhân tâm huyết vẫn luôn duy trì việc làm gốm. Do kinh phí hạn hẹp nên chúng tôi chỉ làm gốm tại gia đình. Gần đây, tháng nào cũng có đoàn khách đến tham quan, họ lấy hết những sản phẩm mà chúng tôi làm ra, có khi không đủ để bán cho họ”.

Cần sự hỗ trợ

Trao đổi với chúng tôi, ông Y Thiêm Quan Chủ tịch UBND xã Yang Tao, cho biết: “Xã có nhiều triển vọng phát triển du lịch, du lịch làng nghề, sinh thái gắn với  kinh tế, thương mại, dịch vụ. Nhiều làng nghề thủ công cổ truyền như: gốm cổ, dệt thổ cẩm, dệt chiếu… theo đó có cơ hội sản xuất các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch, được thị trường trong nước và quốc tế biết tới.

Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố, nhất là nơi tiêu thụ - “đầu ra” cho sản phẩm vượt quá khả năng của chính quyền địa phương nên các làng nghề bị mai một. Xã đã được duyệt quy hoạch 1,4ha để các làng nghề tập trung sản xuất gốm, dệt chiếu nhưng cái khó là cần vốn để phát triển”.

Hiện tại, bình quân thu nhập  ở xã ước đạt 8 triệu đồng/người/năm; mới đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới; các tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó, đặc biệt là tiêu chí thu nhập, hộ nghèo và xây dựng cơ sở hạ tầng.

“Xã rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa từ lãnh đạo các cấp, các doanh nghiệp, nhà tài trợ hỗ trợ… trong phát triển làng nghề, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm; tiếp sức về cây con, giống phát triển sản xuất; xây dựng hạ tầng để Yang Tao đạt thêm nhiều tiêu chí nông thôn mới”, ông Quan trải lòng.

Theo Kiều Thủy/kinhtenongthon.vn