Xã hội hóa xây dựng nông thôn mới

Xã hội hóa xây dựng nông thôn mới
* Bài 1: Cuộc cách mạng ở nông thôn Bước trên những tuyến đường bê-tông mới trải rộng rãi, thông thoáng, ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) tự hào: "Đây là thành quả to lớn của sự kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hoạt động xã hội hóa xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đang được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, quyện hòa ý Đảng, lòng dân"...


Cộng đồng vào cuộc

Gần 3 năm trước, khi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở H. Hòa Vang được triển khai, không ít người băn khoăn, lo lắng. Có người cho rằng, phải có nguồn lực dồi dào thì mới có thể thực hiện đạt các thông số mà các tiêu chí đưa ra. Vì thế, trong năm đầu triển khai, nhiều xã lúng túng với bài toán nguồn lực nên việc quy hoạch, xây dựng đề án gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, khi Thành ủy ban hành Chỉ thị 18 về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình XDNTM trên địa bàn TP" thì phong trào XDNTM ở Hòa Vang đã có những bước chuyển biến rõ rệt, lộ trình của 11 xã trên địa bàn được vạch định vững chắc là quy hoạch chung về phát triển KT-XH.

Với những con số biết nói dưới đây sẽ minh chứng cho điều này: gần 47km đường giao thông được xây dựng, 25 nhà văn hóa xây mới và sửa chữa, gần 1.570 công trình vệ sinh hợp chuẩn, nâng cấp, xây mới 29 công trình phục vụ dân sinh, xây dựng 18 mô hình khuyến nông, đầu tư gần 99 tỷ đồng phát triển sản xuất; nâng mức thu nhập bình quân 20,7 triệu đồng/người. Cuối năm 2013, Hòa Vang có 2 xã Hòa Châu, Hòa Tiến đạt 19/19 tiêu chí về XDNTM. 9 xã còn lại tiến hành song song hai nhiệm vụ xây dựng đô thị và NTM đến năm 2015... Rõ ràng XDNTM là cuộc cách mạng ở nông thôn hiện nay. NTM thành công thì mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, trí thức hóa nông dân sẽ thành công. Khi ấy ở địa bàn nông thôn sẽ có kết quả: dân sinh, dân chủ, dân lực, dân trí đều cao.

Các cơ quan, đơn vị TP cam kết giúp Hòa Vang xây dựng Nông thôn mới.

Có thể khẳng định, nét tươi sáng trong bức tranh nông thôn Hòa Vang hôm nay đều in đậm vai trò trợ lực của các cơ quan, ban ngành TP. Nếu ở thời điểm đầu năm 2013, xã Hòa Châu hoàn thành 17 tiêu chí, 2 tiêu chí còn lại là chợ nông thôn và môi trường chưa hoàn thành thì cuối năm 2 tiêu chí này đã về đích.

Theo ông Lê Đức Bánh, Phó Chủ tịch UBND xã, bên cạnh việc hỗ trợ từ ngân sách các cấp, địa phương đã linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh với nguồn vốn hỗ trợ gần 35 tỷ đồng; Sở Công Thương TP, đơn vị cam kết giúp Hòa Châu XDNTM cũng đã tích cực phối hợp, tạo điều kiện cho địa phương hoàn thành và nâng cao tính bền vững, hiệu quả của những tiêu chí đã đạt được. XDNTM vì một cuộc sống "ấm no, hạnh phúc" của người dân, gia đình và xã hội. Những người nông dân dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn song chắt chiu, dành dụm từng đồng thu nhập từ những giọt mồ hôi đã đóng góp ủng hộ tiền của, công sức chung tay XDNTM.

Người dân là chủ thể

Trong tổng nguồn vốn 1.072 tỷ đồng đầu tư XDNTM trên địa bàn huyện, có 389,153 tỷ đồng là đóng góp của nhân dân, chiếm 36,28%. Vốn nhân dân đóng góp được thể hiện bằng tiền mặt và công sức, hiến đất đai, hoa màu, cây cối để xây dựng các công trình thuộc cơ sở hạ tầng nông thôn; vốn đầu tư xây dựng nhà cửa dân sinh và phát triển kinh tế... Chỉ tính riêng xây dựng nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, hàng trăm hộ dân đã tự nguyện hiến 37.686m2 đất (năm 2012: 14.505m2, năm 2013: 23.181m2), phá dỡ hàng trăm tường rào, cổng ngõ; di dời hàng trăm ngôi mộ, đóng góp hàng ngàn khối cát, sạn...

Nhìn con đường vừa mới đắp xong phần móng, ông Đinh Hùng (thôn Nhơn Thọ, xã Hòa Phước) phấn khởi: "Vài hôm nữa thôi ở thôn nghèo này sẽ có thêm con đường dân sinh được bê-tông hóa, không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy. Từ nay về sau, dù trời có mưa, bà con đi lại, mua bán cũng dễ dàng; tụi nhỏ đi học quần áo không bị lấm lem như trước. Sau khi làm đường xong, thôn tiếp tục vận động bà con trồng cây xanh tạo cảnh quan tươm tất, khang trang". Cũng theo ông Hùng, ban đầu, khi họp dân công bố việc làm đường, bà con đều đồng tình ủng hộ.

Thế nhưng, khi bắt đầu triển khai thì phát sinh nhiều vấn đề, chủ yếu do kinh tế khó khăn. Vậy là, chính quyền thôn tiến hành họp dân "khẩn cấp". Cứ tưởng mọi chuyện sẽ rắc rối, nhưng chỉ sau một hồi bàn bạc, mọi người cùng thống nhất: kinh phí làm đường sẽ được chia đều cho mỗi hộ, hộ nào không đủ điều kiện các hộ khác sẽ "tiếp sức".

Nhiều đường bê-tông hình thành từ một phần đóng góp của người dân.

Được biết, trong quá trình XDNTM, sức dân là "sức bền", người dân chính là chủ thể, là đối tượng trực tiếp thụ hưởng những lợi ích từ chủ trương này. Do đó, huy động nguồn lực từ nhân dân, phát huy quyền làm chủ của người dân trong XDNTM là việc làm thiết thực. Việc làm này, một mặt để người dân giám sát, tham gia các công việc cụ thể của Đề án; mặt khác nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho người dân trong XDNTM. Theo ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, XDNTM bộ mặt nông thôn không chỉ thay đổi ở kết cấu hạ tầng nông thôn mà điều quan trọng là đời sống người dân phải được cải thiện.

Vì vậy, ngoài cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế vườn, các mô hình sản xuất hiệu quả, huyện còn đầu tư thỏa đáng cho cây lúa thông qua việc "dồn điền đổi thửa" liên kết hình thành các "cánh đồng mẫu lớn" nhằm cải thiện thu nhập cho người nông dân. Đây là khâu then chốt chứng minh cho người dân thấy mục tiêu XDNTM không tách rời mục tiêu phát triển KT-XH địa phương. Một khi mức sống của người dân được nâng lên, việc huy động nhân dân đóng góp XDNTM không còn là vấn đề nan giải.

An Dương 
(còn nữa)
Nguồn c
adn.com.vn