Xã hội hoá mạnh mẽ để phát triển giao thông nông thôn
- Thứ bảy - 21/04/2012 21:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia: Cần xã hội hoá mạnh mẽ để phát triển giao thông nông thôn- Ảnh: VGP/Quỳnh Hoa |
Sau 10 năm triển khai Phong trào Phát triển giao thông nông thôn (GTNT), hệ thống GTNT đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, việc đi lại, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của người dân đã được cải thiện.
Đến nay cả nước đã hoàn thành 272.861 km đường GTNT, trong đó đường huyện khoảng 47.562 km chiếm 14,3% đường xã 148.278 km, chiếm 44,58%, đường thôn xóm 77.022 km, chiếm 23,12%, giao thông nông thôn chiếm tới 82% tổng mạng lưới đường bộ toàn quốc.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm và đẩy mạnh Phong trào này lên một bước. "Phi lộ bất phú", nên việc phát triển GTNT không chỉ dừng ở phong trào mà phải được tiếp tục nâng lên thành một chiến lược cụ thể, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng ghi nhận công lao của nhiều gia đình, tổ chức, cá nhân sẵn sàng hiến đất, sức lực để cải tạo GTNT và coi đây là những nhân tố cần được nhân rộng
Theo Bộ GTVT, khó khăn lớn nhất hiện nay của GTNT là hệ thống đường này chưa được tổ chức quản lý bài bản, không được bảo trì sau đầu tư nên nhanh chóng xuống cấp.
Hơn nữa do vốn đầu tư thiếu, chưa lồng ghép được giữa các nguồn vốn với nhau nên hiệu qủa đầu tư các dự án chưa cao....
Được biết, trong giai đoạn 2001-2010, Bộ GTVT đã tìm kiếm và huy động được tổng số vốn từ nguồn ODA là 749 triệu USD, tương đương 14.980 tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn huy động khác đạt 86.796 tỷ đồng. Hiện, cả nước vẫn còn 149 xã chưa có đường ô tô với tổng nhu cầu vốn đầu tư cần khoảng 8.035 tỷ đồng.
Rà soát lại quy hoạch GTNT
Khẳng định những khó khăn mà Bộ GTVT đưa ra đồng thời cũng là những hạn chế cần tháo gỡ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa chủ trương phát triển GTNT, cần đẩy mạnh thu hút các nguồn lực và xã hội hoá mạnh mẽ để phát triển GTNT, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc vận động người dân hưởng ứng tham gia.
Theo Phó Thủ tướng, chủ trương là 1, nhưng biện pháp 10 và vận động phải 20.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT rà soát lại Quy hoạch GTNT để có lộ trình thực hiện phù hợp, theo đó quan tâm vùng xa, vùng sâu, vùng nhiều người hưởng lợi và ưu tiên đầu tư hệ thống cầu trước sau mới đến đường.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động các hạng Nhì và Ba cho nhân dân và cán bộ một số tỉnh có thành tích tiêu biểu - Ảnh: VGP/Quỳnh Hoa |
Đặc biệt quy hoạch phát triển GTNT phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các địa phương sao cho phù hợp với cộng đồng, Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo Phó Thủ tướng, để thu hút được mọi thành phần xã hội tham gia, Bộ GTVT và các địa phương cần xây dựng và bổ sung cơ chế khuyến khích trên cơ sở hoàn cảnh từng địa phương.
Tinh thần lớn nhất là phải xã hội hoá mạnh mẽ và có lộ trình phù hợp để đảm bảo cân đối nguồn lực và có thể giải quyết dứt điểm các dự án.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh khi lập kế hoạch hàng năm cần ưu tiên bố trí vốn để phát triển GTNN.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT sớm ban hành quy định bảo hành, bảo dưỡng cho GTNT cũng như quy định, quy chuẩn cho đường GTNT để phù hợp với thực tế hiện nay.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương cũng đưa ra nhiều kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm triển khai "Chiến lược phát triển GTNT đến năm 2020 và tầm nhìn 2030".
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tập hợp các ý kiến và xử lý cụ thể cũng như đề xuất với Chính phủ các cơ chế chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện phát triển GTNT.
Cũng tại Hội nghị, Bộ GTVT đã phát động phong trào thi đua với chủ đề toàn dân tham gia xây dựng GTNT góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2015, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trừ các xã đặc biệt khó khăn; 100% đường huyện, đường xã đi lại quanh năm, nhựa hoá 100% đường huyện và 70% đường xã, tối thiểu 50% đường thôn, xóm được cứng hoá. Từng bước kiên cố hoá cầu cống trên đường GTNT, xoá bỏ hết cầu khỉ.
Trước đó, cũng trong Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động các hạng Nhì và Ba cho nhân dân và cán bộ các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Lào Cai, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Nam, Hà Nam, Hậu Giang và 20 huyện của cả nước đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào phát triển GTNT miền núi.
Nguồn chinhphu.vn