Xã nghèo hết nghèo
- Thứ hai - 03/10/2016 11:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Rừng SX của người dân Bình Tân
Khó có thể kể hết cái nghèo của xã Bình Tân trước đây. Xã có 6 thôn thì đã có 2 thôn vùng cao với 43 hộ đồng bào dân tộc thiểu số là thôn M6 và thôn Thuận Ninh. Đất SX của người dân 4 thôn đồng bằng là những diện tích đất cát bạc màu, hầu hết bỏ hoang.
Từ năm 2001 đến năm 2005, xã Bình Tân được hưởng chính sách của Chương trình 135. Hiện nay, 2 thôn vùng cao là M6 và Thuận Ninh vẫn còn được hưởng chính sách này.
Có thể nói, tiềm năng kinh tế của xã Bình Tân không có gì khác ngoài quỹ đất bạc màu. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân, ông Đặng Vĩnh Kính, trước năm 2011, xã có gần 200 ha đất còn nằm ngoài sự quản lý của chính quyền.
Năm 2007, Dự án WB3 triển khai cho thấy vùng đất cát bạc màu này rất phù hợp với cây keo lai. Đúng lúc đó phong trào trồng dưa hấu, trồng mì và trồng rừng SX trên địa bàn phát triển mạnh, xã liền tổ chức cho dân thuê đất để canh tác.
“Hồi đó, chúng tôi cho thuê đất trồng dưa với giá 40 triệu đồng/ha/vụ (3 tháng). Hết vụ dưa thì cho thuê đất trồng mì với giá từ 10 - 14 triệu đồng/ha/năm. Đất trồng rừng thì cho thuê thời gian dài hơn. Dân ngoài địa phương có nhu cầu vào thuê đất canh tác xã duyệt luôn.
Sau khi khai thác hiệu quả quỹ đất, nguồn thu của xã đi vào ổn định. Bình quân mỗi năm ngân sách xã thu về khoảng 2 tỷ đồng từ tiền cho thuê đất, 1 tỷ dành cho hoạt động thường xuyên, 1 tỷ dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, diện mạo của xã Bình Tân đã thật sự khởi sắc”, ông Đặng Vĩnh Kính phấn khởi cho biết.
Đường bê tông chạy giữa rừng trồng ở xã Bình Tân
Theo đánh giá của ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, bứt phá ngoạn mục nhất của Bình Tân trong xây dựng NTM là tiêu chí thu nhập. Từ vùng đất bạc màu, hoang hóa, người dân đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, khuyến cáo nông dân trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, hiện nay, thu nhập của dân Bình Tân cao nhất huyện.
Hiện trên địa bàn xã Bình Tân có hơn 1.500ha rừng SX đang vào thời kỳ kinh doanh, hộ ít nhất cũng có 2ha rừng, hộ nhiều cả chục ha; từ năm 2011 đến nay mỗi năm bà con trồng khoảng 200ha dưa hấu, có hộ thu lãi đến 400 triệu đồng.
Ngành chăn nuôi cũng phát triển mạnh, tổng đàn bò trong xã gần 30.000 con. Đặc biệt, Bình Tân là xã đầu tiên quy hoạch khu chăn nuôi heo tập trung với diện tích 10ha, trước đây đàn heo trong xã chỉ có khoảng 3.000 con nay đã tăng đến gần 15.000 con.
Nếu năm 2010 thu nhập của người dân Bình Tân chỉ 10 triệu đồng/người/năm thì hiện đã tăng đến hơn 24 triệu/người/năm - ông Đặng Vĩnh Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân cho hay. |
Theo: Vũ Đình Thung/nongnghiep.vn