Xã nghèo khó đạt mục tiêu nông thôn mới

Xã nghèo khó đạt mục tiêu nông thôn mới
Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Tài chính – Ngân sách của quốc hội vừa phối hợp tổ chức hội thảo về ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Từ thực tiễn xây dựng NTM tại các địa phương, đa số ý kiến cho rằng: Cần ưu đãi đặc biệt đối với các xã thuộc huyện nghèo trong xây dựng NTM.
 
 
Nhiều vùng đồng bào dân tộc khó đạt mục tiêu NTM
Ảnh Hoàng Long
 
Chưa có xã miền núi đạt 19 tiêu chí 
 
Sau gần 3 năm triển khai, bên cạnh thành tựu, chương trình xây dựng NTM ở miền núi đang bộc lộ một số hạn chế. Rất nhiều tiêu chí xây dựng NTM chưa phù hợp với phong tục tập quán của bà con; ngân sách đầu tư xây dựng NTM cho khu vực này thiếu những cơ chế đặc thù nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ. Ông Cầm Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, 2 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Sơn La, đến nay tiến độ xây dựng còn chậm, chưa có xã nào đạt được một nửa số tiêu chí theo kế hoạch đề ra. Duy nhất có xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn đạt 9/19 tiêu chí. Trong khi đó có tới 46 xã chỉ đạt được 1 tiêu chí, chủ yếu là các tiêu chí về an ninh trật tự xã hội và hệ thống chính trị. Số xã không đạt tiêu chí là 14 xã, chiếm 10% tổng số xã được chọn xây dựng NTM. Trong các tiêu chí về NTM đặc biệt có 5 tiêu chí mà không xã nào tại Sơn La đạt là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ cấu lao động, môi trường và thu nhập.
  
Lý giải tại sao những tiêu chí này lại đạt thấp, đại diện của xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, hầu hết tiêu chí chung của quốc gia không phù hợp với đặc thù, phong tục tập quán vùng miền núi, vùng có đông đồng bào thiểu số sinh sống. Hiện xã Thanh Chăn được coi là điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM (đạt được 11/19 tiêu chí) nhưng còn xa mới đạt được tiêu chí thu nhập. Không riêng gì xã Thanh Chăn mà các xã khác trong tỉnh Điện Biên cũng vậy. Nguyên nhân là do sự phát triển về công nghiệp và dịch vụ còn hạn chế. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa và chăn nuôi vì thế đòi hỏi bình quân đầu người/năm tăng 1,5 lần so với mức bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn của tỉnh là hết sức khó khăn. 
 
Bên cạnh đó, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Hồ Lâm cho biết thêm, tiêu chí về nhà ở dân cư theo quy định nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng hiện nay là nhà 4 cứng (tường cứng, cột cứng, nền cứng, mái cứng) là chưa phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là chưa kể đến bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng nhà ở. 
 
Cần có tiêu chí đặc thù
 
Có thể thấy, việc áp dụng những tiêu chí chung về xây dựng NTM đối với địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là không phù hợp và đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chương trình tại các địa bàn đặc thù. Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La Cầm Văn Chính cho rằng, cần thiết  phải sửa đổi nội dung quy định một số tiêu chí về xây dựng NTM cho phù hợp với các tỉnh miền núi trong đó, trọng tâm là 2 tiêu chí về thu nhập và cơ cấu lao động. Đồng thời cần ban hành chính sách đặc thù cho các tỉnh Tây Bắc trong việc huy động các nguồn lực tham gia xây dựng NTM. 
 
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vốn xây dựng NTM ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số khá lớn, khoảng 200 – 300 tỷ đồng/xã, cao nhất tại Hà Giang, vốn huy động bình quân khoảng 400 tỷ đồng/xã, trong khi bình quân cả nước là khoảng 150 tỷ đồng; trong khi chúng ta dựa vào mấy nguồn lực chính: Hỗ trợ từ ngân sách (trung ương và địa phương) và huy động người dân, doanh nghiệp cùng tham gia. Nhưng khoản chênh lệch từ 50-250 triệu/xã sẽ lấy nguồn ở đâu khi hầu hết đây là những vùng khó khăn? 
 
Để khắc phục những hạn chế này, nhiều ý kiến đề nghị, nên có cơ chế chính sách đặc thù riêng về ngân sách cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út cũng cho rằng, đối với miền núi, vùng dân tộc thiểu số, nếu không có tiêu chí mềm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù thì rất khó thực hiện được Chương trình xây dựng NTM. 
Lục Bình
 Theo Báo Đại đoàn kết