Xã nông thôn mới - Xây dựng đã khó, giữ khó hơn
- Thứ ba - 20/01/2015 01:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
° PV: Thưa ông, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, trước đây là xứ sở của chà là gai, nắng bụi, mưa bùn, vì sao Bến Tre “dám” chọn nơi đây xây dựng xã nông thôn mới?
° Ông VÕ THÀNH HẠO: Xã Châu Bình trước đây là vùng căn cứ cách mạng trong thời kháng chiến, người dân nơi đây có tính cần cù, chịu khó, hăng say lao động, sản xuất, luôn có ý chí vươn lên, tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp. Năm 2006, xã đã xây dựng thành công xã văn hóa, theo đó đã có các thiết chế về văn hóa, các mô hình sản xuất được tập trung đầu tư và nhân rộng, hệ thống chính trị được củng cố, hệ thống thủy lợi được hoàn chỉnh phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là ý thức của người dân trong tham gia xây dựng xã văn hóa.
Từ những thành quả đó, sau khi xem xét đánh giá về đầu việc của các xã trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quyết định chọn xã Châu Bình là một trong 25 xã điểm nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Không ngừng nỗ lực, sau 3 năm thực hiện, Châu Bình đã không phụ lòng và mong muốn của cả tỉnh. Một xã trước kia rất nghèo, rất lạc hậu nhưng nếu có sự đồng lòng chung sức, có quyết tâm chính trị rõ ràng thì không khó khăn nào không thể vượt qua.
Đường về xã Châu hôm nay. Ảnh: HOÀNG HÀ
° Ở Bến Tre, một số xã trước đây được công nhận là xã văn hóa nhưng hiện nay không còn giữ được một số tiêu chí. Theo ông, vấn đề đặt ra cho các xã đó là gì?
° Hiện nay, các xã được công nhận văn hóa có một số tiêu chí suy giảm, do vai trò của người đứng đầu một số địa phương chưa thật sự quan tâm trong việc củng cố, nâng chất các tiêu chí. Do đó, vấn đề đặt ra trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung củng cố, nâng chất các thiết chế văn hóa, gia đình văn hóa, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng văn hóa sâu rộng trong dân cư gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Tăng cường tuyên truyền người dân tích cực thực hiện những việc do dân làm, nhất là các thiết chế gia đình văn hóa, nâng cao tỷ lệ người dân có hố xí hợp vệ sinh, ý thức giữ vệ sinh môi trường cảnh quan, không còn các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình...
Rà soát lại các biện pháp chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện vừa qua để sửa chữa lại cho phù hợp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất và chất lượng nhằm nâng mức thu nhập người dân, giữ gìn an ninh trật tự xã hội ổn định tạo sự an tâm trong dân; quán triệt phương châm Đảng định hướng, dân là chủ thể, chính quyền tổ chức và thực hiện kế hoạch, Mặt trận làm nồng cốt để vận động. Gắn với việc xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và tiếp tục phấn đấu đẩy nhanh tiến độ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
° Vậy theo ông, làm thế nào để giữ vững danh hiệu?
° Xây dựng xã nông thôn mới đã khó nhưng để giữ vững và phát huy càng khó hơn. Do đó, đối với các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cần phải tiếp tục duy trì và tập trung củng cố nâng chất các tiêu chí đã đạt. Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương phát huy hơn nữa tiềm lực của địa phương để duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, thực hiện lồng ghép nhuần nhuyễn các nguồn lực, triển khai tốt các dự án phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần nâng cao mức thu nhập người dân.
° Theo ông, cần phải làm gì để chương trình thiết thực, mang lại sức bật mới cho nông thôn?
° Thay đổi diện mạo quê hương, xây dựng nông thôn giàu đẹp, làm cho đời sống người dân hạnh phúc no ấm hơn là tâm nguyện và trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không chỉ riêng tôi. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chương trình hướng đến mục tiêu đó. Chính vì vậy, tôi thật sự có cảm hứng khi trực tiếp chỉ đạo thực hiện chương trình này. Theo tôi, nông nghiệp, nông thôn và nông dân sẽ mãi mãi nghèo và lạc hậu nếu không quyết liệt thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhưng đừng ảo tưởng là sẽ có ngay nông thôn mới trong một vài nhiệm kỳ. Đây là công việc mang tính thế hệ. Đến khi nào nông dân sống trong những biệt thự vườn, sản xuất chủ yếu bằng cơ giới bởi các hợp tác xã, trên những cánh đồng thì lúc đó chúng ta mới có một nông thôn mới thật sự.