Xã thuần nông vẫn có thu nhập cao

Xã thuần nông vẫn có thu nhập cao
Từ một địa bàn có nhiều khó khăn, hạ tầng sản xuất yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp, sau hai năm triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) trở thành điểm sáng của khu vực ngoại thành Hà Nội, với thu nhập bình quân của người dân dẫn đầu thành phố.


 
Công nhân thi công công trình thủy lợi tại xã Liên Mạc (huyện Từ Liêm).  
 
Liên Mạc là xã thuần nông của huyện Mê Linh có diện tích đất tự nhiên hơn 816 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 540 ha, số dân hơn 14 nghìn người, với 3.185 ha. Năm 2010, khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt tiêu chí an ninh trật tự an toàn xã hội; các tiêu chí còn lại như hệ thống trường học, cơ sở văn hóa, cơ cấu lao động, công trình thủy lợi... chưa đạt hoặc đạt rất thấp. Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu bền vững do tập quán sản xuất của người dân lạc hậu, ruộng đất manh mún, phân tán, phần lớn diện tích là đồng trũng. Hơn 90% số dân làm nông nghiệp. Ðời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,6 triệu đồng/năm. Toàn xã có hơn 300 hộ nghèo, chiếm hơn 10% tổng số hộ dân... Vì thế, việc triển khai đề án xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn. Nhiều cán bộ, đảng viên lo ngại, lảng tránh trước khối lượng công việc lớn, khó khăn và phức tạp.

Bí thư Ðảng ủy xã Liên Mạc Tạ Quang Ðáp cho biết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới, đảng ủy xã thực hiện triệt để chủ trương dân biết, dân bàn, dân thực hiện, dân kiểm tra và dân hưởng lợi ngay từ khâu lập quy hoạch. Căn cứ vào quy hoạch chung của huyện, xã tiến hành điều tra thực trạng, lập dự thảo và công khai quy hoạch để người dân trực tiếp thảo luận, đóng góp ý kiến với tinh thần dân chủ, thẳng thắn. Người dân đã đưa ra những vấn đề cần giải quyết trước mắt để phát triển sản xuất như đầu tư hệ thống thủy lợi, mở rộng giao thông nội đồng... Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực đã được cơ quan chuyên môn tiếp thu để điều chỉnh quy hoạch, sau đó mới trình cấp trên phê duyệt. Quá trình lập quy hoạch đã tạo ra không khí dân chủ, phấn khởi, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.

Ngay sau khi được thành phố phê duyệt đề án quy hoạch vào tháng 11-2010, Ðảng ủy xã đã có Nghị quyết chuyên đề xây dựng nông thôn mới, trong đó chọn việc khó nhất là dồn điền đổi thửa để tạo bước đột phá. Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới phối hợp các ngành, đoàn thể cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên... tổ chức nhiều hội nghị tại thôn, đội sản xuất để tuyên truyền, vận động xã viên hiểu lợi ích của việc dồn điền đổi thửa, là tiền đề để xây dựng các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. UBND xã thành lập ba tiểu ban tại thôn và 11 tổ giám sát cộng đồng với 96 thành viên để bảo đảm việc dồn điền đổi thửa được tiến hành dân chủ, công khai, vì quyền lợi của người dân... Vì thế, chỉ trong thời gian ngắn, Liên Mạc đã dồn đổi được hơn 400 ha đất nông nghiệp. Từ chỗ mỗi hộ có từ tám đến 12 thửa, sau khi dồn điền, mỗi hộ chỉ còn một đến hai thửa. Thửa nhỏ nhất hơn 400 m2, thửa rộng nhất hơn 5.400 m2. Ngoài ra, xã lập vùng sản xuất rau sạch hơn 17 ha, khu chăn nuôi tập trung hơn 13 ha, chăn nuôi thủy sản gần 27 ha và vùng sản xuất trồng lúa hơn 500 ha được hình thành. Ðặc biệt, sau khi dồn điền đổi thửa, số diện tích dôi dư hơn 16 ha được sử dụng để mở rộng các tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng, đầu tư xây dựng sân vận động rộng hơn 1,3 ha và ba khu tập kết rác thải...

Ðến hôm nay, diện mạo nông thôn ở Liên Mạc có nhiều thay đổi rõ nét. Ðời sống của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 22,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn gần 3%. Liên Mạc đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trở thành điểm sáng cho mô hình xây dựng nông thôn mới của thành phố. Ông Phạm Văn Ca, 75 tuổi, một người dân của Liên Mạc vui mừng chia sẻ, nhờ xây dựng nông thôn mới Liên Mạc giờ thay da đổi thịt. Hệ thống thủy lợi, giao thông trong xã thuận lợi. Các giống lúa chất lượng cao, cây ăn quả phát triển tốt.

Theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, trước khi tiến hành xây dựng nông thôn mới, kinh tế-xã hội của huyện gặp nhiều khó khăn. Lao động nông nghiệp chiếm khoảng 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ có hơn 16%, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp yếu kém, thu nhập bình quân đầu người gần 13,6 triệu đồng/năm. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Mê Linh đã lựa chọn trọng tâm là đầu tư hạ tầng sản xuất, dồn điền đổi thửa ngay sau công tác lập quy hoạch ở 16 xã.

Hiện nay, huyện Mê Linh đã đạt năm tiêu chí xây dựng nông thôn mới, năm tiêu chí đạt từ 50 đến 70%, tám tiêu chí đạt dưới 50%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 22,5 triệu đồng/người/năm, tăng hơn chín triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn hơn 41%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 40%, số hộ nghèo còn 6,4%, 100% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Nguyễn Xuân Trường cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt. Vai trò lãnh đạo của Ðảng, chính quyền được củng cố, tăng cường; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Người dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp thực hiện, nguồn lực chưa đáp ứng đủ yêu cầu, số kinh phí đầu tư chủ yếu từ ngân sách, việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế.

Ðể hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Mê Linh đang tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa đối với diện tích hơn 2.100 ha; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

 

Bài và ảnh: ÐẮC SƠN
 
Theo  nhandan.org.vn