Xã vùng biên đổi thay diện mạo quê hương nhờ xây dựng nông thôn mới

Xã vùng biên đổi thay diện mạo quê hương nhờ xây dựng nông thôn mới
CTTĐT - Những ngày này, đến xã biên giới Bản Phiệt - xã nông thôn mới thứ 8 của huyện Bảo Thắng đang chuẩn bị đón bằng công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), ai cũng có thể cảm nhận những bước chuyển mình, sự thay da đổi thịt trên mảnh đất thuần nông bao năm khốn khó. Đi trên những con đường bê tông thẳng tắp xen giữa những cánh đồng xanh mướt cùng những ngôi nhà mới cao tầng, tất cả như minh chứng cho một sức sống mới, vươn lên mạnh mẽ của vùng quê đang hoà cùng nhịp với sự đổi mới của quê hương, đất nước.

Xã Bản Phiệt khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM từ năm 2011, qua rà soát, đánh giá hiện trạng toàn xã mới đạt 3/19 tiêu chí. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sau hơn 8 năm (từ năm 2011) triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay xã Bản phiệt đã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Về Bản Phiệt những ngày này, mới thấy được từ một vùng quê nghèo khó, giờ đây đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ xây dựng thành công NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. 

 

Đổ bê tông xi măng và rải cấp phối các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn

Ông Đặng Minh Long - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, trong suốt thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, đồng bộ, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu về đích NTM theo đúng lộ trình. Bộ mặt NTM của xã Bản Phiệt có được diện mạo như ngày nay là nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã, trong đó phải nói đến những đóng góp quan trọng của người dân để xã Bản Phiệt đạt 19/19 tiêu chí.

Xác định rõ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động lớn, toàn diện với sự đồng thuận và trực tiếp tham gia của người dân. Bằng việc huy động tốt các nguồn lực của địa phương, trong hơn 8 năm qua  toàn xã đã huy động được tổng số vốn đạt hơn 63 tỷ 281 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 35 tỷ 811 triệu đồng, chiếm 54,9%; ngân sách huyện 1 tỷ 298 triệu đồng, chiếm 2,5%; Doanh nghiệp nhà hảo tâm ủng hộ trên 625 triệu đồng; Nhân dân đóng góp 25 tỷ 545 triệu đồng và hiến hơn 20 nghìn m2 đất cùng hàng nghìn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Theo đó tổng số đường của xã đang quản lý là 29,46km, trong đó hơn 27 km đã được bê tông, cấp phối; 2km đường đất. Đường liên xã, trục xã 21,3 km đã thực hiện đổ bê tông xi măng và dải nhựa  đạt 100%; Đường trục thôn, liên thôn 6 km đã đổ bê tông xi măng và rải cấp phối; Đường ngõ xóm đã cứng hóa 2,16km, đạt 100%. Có thể thấy, phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Bản Phiệt bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, bởi chính những con đường mới đã giúp cho việc đi lại thông thương hàng hóa của nhân dân được thuận lợi và mở ra hướng thoát nghèo vươn lên làm giàu cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố, khuôn viên nhà cửa được chỉnh trang sạch đẹp. Con em trong xã phấn khởi đến trường trong những phòng học đầy đủ cơ sở vật chất... đó là sự đổi thay ở xã Bản Phiệt sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Đặc biệt, những năm qua, cùng với việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thì việc tập trung phát triển sản xuất, giảm nghèo cũng được Đảng bộ, chính quyền xã Bản Phiệt tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển, đạt kết quả khá. Nếu như trước kia thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông - lâm nghiệp, nhưng những năm gần đây người dân trong xã đã đẩy mạnh phát triểu tiểu thủ công nghiệp – thương mại và dịch vụ, chiếm khoảng 65- 75% tổng thu nhập toàn xã.
Một trong những giải pháp phát triển kinh tế, giảm nghèo của xã là tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng tiến bộ KHTK vào sản xuất phù hợp với tập quán canh tác của bà con và tình hình thực tế địa phương. Ông Đào Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng NTM, UBND xã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao đời sống, tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt xã triển khai một số mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả như: Mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng Viet GAP trong nông hộ; mô hình trồng Dứa, trồng cây sả tím lấy dầu, đặc biệt là mô hình sản xuất lúa "Một cánh đồng, một giống, một thời gian gieo trồng" với tổng diện tích gieo trồng năm 2019 là 102 ha (vụ Xuân 51 ha/8 thôn, vụ Mùa 51 ha/8 thôn). Duy trì và phát triển cây chè với diện tích trên 54 ha; phát triển cây ăn quả tập trung như cây dứa với tổng diện tích 211,5 ha, cây chuối diện tích 15 ha. Duy trì và phát triển có hiệu quả 3 trang trại chăn nuôi tập trung.

Bà con nhân dân chung tay quét dọn đường làng ngõ xóm xanh – sạch – đẹpVề thăm Bản Phiệt hôm nay mới thấy được sự thay đổi diện mạo của một xã vùng biên. Nhiều căn nhà tranh vách nứa đã được người dân thay thế bằng nhà xây 2 - 3 tầng kiên cố. Trên địa bàn  xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn Bộ xây dựng là 1.170/1.184 nhà, đạt  gần 99%; số hộ có nhà ở diện tích chưa đạt chuẩn chỉ còn 1,18%.
Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể. Kết quả minh chứng, tổng sản l­ượng lương thực cây có hạt năm 2019 toàn xã ước đạt trên 1.836 tấn, tăng hơn 368 tấn so với năm 2011; giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 74 triệu đồng, tăng 44 triệu đồng so với năm 2011; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,9 triệu đồng/người/năm, tăng 23,2 triệu đồng so với năm 2011. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 8,9%. 
Đổi thay rõ nét nhất đó là thôn Nậm Sò, được thành lập năm 2003 theo chương trình dãn dân ra khu vực biên giới. Ai đã từng tới thôn Nậm Sò vào trước năm 2010 đều có chung nhận xét, đây là thôn nghèo nhất huyện Bảo Thắng, bởi thôn có 73 hộ, 100% là dân tộc thiểu số (dân tộc Dao và Mông), thì có tới 52 hộ nghèo với thu nhập bình quân đầu người 9 triệu đồng/năm. Kết cấu hạ tầng của thôn còn thiếu, đơn cử, đường vào thôn là đường mòn dốc núi và không có công trình nhà ở dân cư kiên cố. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, cơ sở vật chất và đời sống của người dân thôn Nậm Sò đã có sự đổi thay. Bà Đặng Thị Dẩn, Trưởng thôn cho biết: Triển khai xây dựng NTM, được Nhà nước hỗ trợ vật liệu nên hầu hết các tuyến đường giao thông liên thôn, liên gia ở thôn đã được cứng hóa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển kinh tế. Cũng nhờ được tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi do xã, huyện, tỉnh tổ chức, người dân thôn Nậm Sò đã biết cách tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.
Nói đến đây, bà Đặng Thị Dẩn không dấu đc niềm vui hé nở trên khuân mặt của bà và tiếp tục chia sẻ: Được biết, hầu hết các hộ ở thôn Nậm Sò đều giàu lên từ trồng dứa, toàn thôn với 95 ha dứa, nhờ nắm vững khoa học - kỹ thuật, người dân đã “bắt” cây dứa cho quả quanh năm (dứa chính vụ, trái vụ), năng suất bình quân đạt 25 tấn quả/ha như hiện nay, người dân lãi 50 - 70 triệu đồng/ha/vụ. Có thể thấy từ trồng dứa mà nhiều gia đình trong thôn đã xây được những căn nhà mái bằng khang trang. Nhiều mô hình trang trại cũng được xây dựng nhờ đồng vốn sinh ra từ cây dứa. Thôn Nậm Sò hiện có 31 hộ đã xây được nhà kiên cố và còn 03 hộ nghèo, trong đó nhiều nhà xây 2 - 3 tầng. Thu nhập của người dân đã tăng lên khoảng 40 triệu đồng/đầu người/năm.
Hiện trên địa bàn thôn đang xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình làm ăn hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng dứa. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Lý A Chúc ở thôn Nậm Sò. Trò chuyện với chúng tôi anh chúc cho biết: Hiện gia đình tôi trồng khoảng 1 ha dứa, bình quân mỗi vụ cho thu gần 60 tấn quả, với trị giá thu về khoảng 240 triệu đồng, trừ chi phí gia đình tôi còn lãi khoảng 120 triệu đồng/vụ. Cũng từ trồng dứa mà gia đình anh Chúc không chỉ xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang mà còn mua được ô tô cùng nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.
Công cuộc xây dựng NTM đã mang đến luồng sinh khí mới cho xã Bản Phiệt, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, những năm qua, với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, Mặt trận Tổ quốc xã Bản Phiệt xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó chủ động tham gia, không “trông chờ, ỷ lại” trong xây dựng NTM, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, người dân tự nguyện tham gia các phong trào vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, tăng gia sản xuất phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa.

 
Một góc diện mạo xã vùng biên Bản Phiệt hôm nay
Ông Trần Văn Nam - Trưởng thôn Làng Chung bộc bạch, bản thân ông và bà con nhân dân trong thôn rất vui mừng khi thấy diện mạo nông thôn của xã có nhiều đổi thay. Các gia đình trong thôn cùng nhau hăng hái thi đua xây dựng đời sống văn hóa; thi đua lao động, sản xuất nâng cao đời sống.
Từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, đời sống của người dân xã vùng biên Bản Phiệt đã được cải thiện rõ rệt. Diện mạo làng quê khang trang sạch đẹp. Điều ghi nhận hơn cả là thông qua phong trào thi đua lao động, sản xuất, nông dân ngày càng có tư duy tiến bộ trong tìm kiếm mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến Bản Phiệt những ngày này, có thể cảm nhận rõ những đổi thay trong diện mạo xã NTM.  Khắp các thôn, xóm đâu đâu cũng thấy người dân đang tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Bà con nhân dân cùng bảo nhau phát quang dọc các tuyến đường thôn xóm và quét  dọn đường làng ngõ xóm để chuẩn bị đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn quốc gia xây dựng NTM.         
Chị Lê Thị Thanh - người dân thôn Làng Chung phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương: "Tôi thấy đường sá giờ thông thoáng, đi lại và buôn bán thuận tiện hơn trước rất nhiều. Có được điều đó là nhờ vào chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều công trình được thực hiện với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" rất có hiệu quả!".
Vùng biên Bản Phiệt đang khởi sắc, các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với xã biên giới đã đi nhanh vào cuộc sống, nâng cao niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để được công nhận danh hiệu xã NTM là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bản Phiệt. Điều đó sẽ tạo thêm động lực cho Bản Phiệt duy trì và phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về NTM theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo Thanh Nga/Laocai.gov.vn