Xây dựng NTM: Không vì mục tiêu mà nóng vội chạy theo thành tích
- Thứ hai - 12/10/2015 06:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Hùng cho biết thêm, mục tiêu đến năm 2015, Quảng Trị sẽ có trên 15% số xã đạt chuẩn NTM, song ngày từ đầu chúng tôi xác định không vì đạt mục tiêu đó mà quá nóng vội chạy theo thành tích để chương trình NTM không thực chất, thiếu bền vững và tạo gánh nặng cho người dân.
Thu nhập là yếu tố then chốt
Theo ông Hùng, với trách nhiệm là cơ quan thường trực chương trình xây dựng NTM, trong gần 5 năm qua, Sở NNPTNT đã kịp thời tham mưu UBND, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cụ thể hóa các cơ chế chính sách của T.Ư, đồng thời ban hành các chính sách riêng của tỉnh, như: Quy định mức hỗ trợ và huy động các nguồn lực trong xây dựng NTM; Chính sách về hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh; đổi mới các hình thức kinh tế hợp tác trong nông thôn.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp (NN ) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã tạo bước đột phá trong tái cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên các lĩnh vực gắn với xây dựng NTM. Nhờ vậy, đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, số xã đạt tiêu chí về thu nhập từ 3 xã năm 2010 lên 79 xã đến thời điểm tháng 6.2015.
Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, Quảng Trị xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân là yếu tố then chốt đảm bảo sự ổn định của xã hội và quyết định đến chất lượng xây dựng NTM. Do đó, trong những năm qua, ngành NN tỉnh Quảng Trị tập trung huy động mọi nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, ưu tiên cho các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: đường giao thông nông thôn (GTNT), giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng, cải tạo đồng ruộng, công trình thủy lợi…
“Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã trồng 4.864ha cà phê, với sản lượng hơn 5.100 tấn; trên 19.100ha cây cao su, sản lượng 11.459 tấn; hồ tiêu 2.273ha, sản lượng 1.566 tấn. Bên cạnh đó, đã trồng 5.870ha rừng tập trung; diện tích nuôi thuỷ sản đạt 3.396ha... Vụ đông xuân 2014-2015, toàn tỉnh đã xây dựng được các mô hình cánh đồng lớn với quy mô từ 20 – 50ha/cánh đồng, tổng diện tích thực hiện là 300ha lúa, chủ yếu tập trung ở huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Nhờ vào những cây, con này mà người nông dân ở Quảng Trị có thu nhập ổn định và nhanh chóng thoát nghèo...”, ông Hùng chia sẻ.
Tiếp tục đầu tư cho tam nông
Theo ông Hùng, mặc dù đạt được những kết quả đáng kể trên các lĩnh vực, nhưng ngành NN Quảng Trị hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân và liên kết tổ chức sản xuất. Quy mô sản xuất của nhiều nông hộ còn nhỏ bé, manh mún nên sản phẩm tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái thu gom...
“Để giải quyết bài toán này, sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư cho tam nông. Trong đó, ưu tiên các họat động khuyến nông, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất để nâng chất lượng, giá trị trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt là triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất, cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nhu cầu thị trường. Quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung, chuyên vùng cà phê Khe Sanh, vùng tiêu Vĩnh Linh, Cam Lộ, vùng lúa Hải Lăng, Triệu Phong…”- ông Hùng khẳng định.
Quảng Trị cũng sẽ chú trọng hơn nữa việc thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và triển khai thực hiện từ nhiều khía cạnh khác nhau để hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân từ 3 - 4%; trong đó tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp chiếm 13% trong tổng GDP của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân 3,5- 4%/năm; Độ che phủ của rừng ổn định mức 50%, diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC đến năm 2020 là 42.000ha; Sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 38.000 tấn; đến năm 2020 có 100% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% số hộ có hố xí hợp vệ sinh; có 40-50% số xã đạt chuẩn NTM...
Để đạt được mục tiêu này, cần những giải pháp để thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực, tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tế để nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy tăng trưởng của ngành. Ngoài ra, huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, tạo bước chuyển biến sâu sắc, toàn diện kinh tế nông thôn.
Khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động gắn với điều chỉnh quy hoạch sản xuất để phát triển cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại tập trung gắn với an toàn sinh học và phòng trừ dịch bệnh có hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển vốn rừng, nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp gắn với công tác bảo vệ rừng. Phát triển thuỷ sản thành ngành kinh tế mạnh. Tiếp tục đầu tư hạ tầng, thủy lợi…
Theo ông Hùng, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có 40% - 50% xã đạt chuẩn vẫn là một thách thức lớn, vì nhiều xã trong tỉnh Quảng Trị thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, xuất phát điểm còn thấp nên đạt được mục tiêu là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của nhiều cấp, ngành và sự tham gia của người dân. |