Xây dựng NTM đạt kết quả toàn diện
- Thứ ba - 12/03/2019 03:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
* Hàng trăm nghìn tỷ huy động xây dựng NTM
Cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Bình quân tiêu chí/xã đạt 14,61 tiêu chí, vượt mục tiêu đạt 14 tiêu chí.
Phong trào xây dựng NTM phát triển mạnh mẽ ở các địa phương |
Cả nước đã huy động được khoảng 401.779 tỷ đồng (tăng khoảng 50% so với năm 2017 và bằng 1/2 tổng nguồn lực huy động của cả giai đoạn 2011-2015), trong đó, vốn ngân sách Trung ương: 8.719 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương: 43.771 tỷ đồng. Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là: 39.026 tỷ đồng. Vốn tín dụng: 267.634 tỷ đồng. Vốn doanh nghiệp đóng góp là 16.696 tỷ đồng. Nhân dân và cộng đồng đóng góp 25.933 tỷ đồng.
Bộ NN- PTNT dẫn số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ năm 2011- 2017, cả nước đã hoàn thành một khối lượng đường giao thông gấp hơn 5 lần của giai đoạn 2001-2010, có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã, đặc biệt ở những địa bàn vùng núi cao, địa hình phức tạp (Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An...).
Trong tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, các địa phương đã tập trung đầu tư và đã phát triển được hơn 20.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trong đó, đã có hàng nghìn chuỗi nông sản an toàn.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, hiện nay, cả nước có 4.823 sản phẩm đặc sản cấp xã, huyện có lợi thế, trong đó mới có 1.086 sản phẩm (khoảng 22,52%) có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng; có 695 (14,4%) sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, Bộ NN- PTNT cho biết khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn khá lớn cụ thể: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 63,33% số xã đạt chuẩn, Đông Nam Bộ là 63,22%, miền núi phía Bắc chỉ đạt 15,53%, Tây Nguyên 22,5%, Đồng bằng sông Cửu Long 29,43%, Duyên hải Nam Trung Bộ 30,87%.
Theo Văn phòng Điều phối quốc gia xây dựng NTM Trung ương, cả nước không còn xã nào dưới 5 tiêu chí; có 3 địa phương có 100% số xã đạt chuẩn NTM gồm Nam Định, Đà Nẵng, Đồng Nai. Đặc biệt, Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước có 100% đơn vị cấp huyện (9 huyện, 1 TP, 1 TX) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. |
Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, phức tạp, khó xử lý, trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước có tiến bộ nhưng chuyển biến chưa rõ nét vẫn đang là vấn đề nổi lên được xã hội quan tâm. Phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn NTM
Thực hiện chương trình, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, Bộ NN-PTNT xác định mục tiêu tới hết năm nay, cả nước phải có 50% số xã đạt chuẩn NTM và có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 70 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hoàn thành sớm mục tiêu kế hoạch 5 năm trong năm 2019.
Trên cơ sở đó xem xét công nhận một số tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và phấn đấu trở thành xã, huyện NTM kiểu mẫu.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ NN-PTNT đề nghị các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc phương châm của Ban Chỉ đạo Trung ương: “Chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả”; xác định nhiệm vụ tập trung truyền thông về ý nghĩa, tác động của Chương trình xây dựng NTM; tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các Đề án xây dựng NTM đặc thù ở Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An...; Đề án thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 của 4 huyện Hải Hậu, Nam Đàn, Đơn Dương và huyện Xuân Lộc,…
Các Bộ, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn; nhanh chóng tổ chức triển khai Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 – 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngay trong năm 2019, các địa phương tập trung vào hình thành hệ thống quản lý, điều hành Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm; chủ động lựa chọn ít nhất 1 huyện để chỉ đạo thí điểm...
Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn. Kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Các hợp tác xã được tổ chức lại và thành lập mới, đến nay, cả nước có khoảng 39 liên hiệp HTX nông nghiệp và 13.636 HTX nông nghiệp (so với năm 2017 tăng 17 liên hiệp HTX và 1.948 HTX). Doanh thu bình quân khoảng 980 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động là 1,5 triệu đồng/tháng… |
Nguồn tin: https://nongnghiep.vn/