Xây dựng NTM giai đoạn 2017-2020: Theo lộ trình phù hợp
- Thứ ba - 07/03/2017 23:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn (Ảnh minh họa) |
Hải Phòng vừa chi hơn 21 nghìn tỷ đồng xây dựng NTM giai đoạn 2017 – 2020, trong đó ngân sách hơn 6 nghìn tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 9 nghìn tỷ đồng, còn lại là xã hội hóa và nhân dân đóng góp.
Một số chỉ tiêu quan trọng cũng được đề ra trong giai đoạn 2017-2020 như: Tăng trưởng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,7%/năm, giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác ước đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,8 - 2 lần so với năm 2015. 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Trên 90% chất thải rắn nông thôn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
Ngân sách thành phố sẽ dành gần 2 nghìn tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các xã hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Riêng năm 2017, có 25 xã phấn đấu về đích, mỗi xã được hỗ trợ 22 tỷ đồng.
Thành phố còn hỗ trợ trên 400 nghìn tấn xi măng cho các xã xây dựng gần 2.600km đường giao thông nông thôn, hỗ trợ lãi suất vốn vay cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước sạch nông thôn.
Giai đoạn 2017-2020, Lạng Sơn phấn đấu có 77 xã, trong đó có 72 xã chỉ đạo điểm và 5 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân trên địa bàn là 13,8 tiêu chí/xã. Đồng thời trong giai đoạn này, tỉnh cũng sẽ đưa thành phố Lạng Sơn được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
UBND tỉnh cũng dự kiến hỗ trợ các xã đạt chuẩn NTM, các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017 và 5 xã đặc biệt khó khăn định mức mỗi xã 350 triệu đồng; dự kiến phân bổ cho các dự án phát triển sản xuất tổng thể mỗi dự án 2.500 triệu đồng…
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 xác định cần tập trung vào 4 nhóm nội dung chủ yếu là hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã; thực hiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bảo vệ và cải thiện môi trường; giữ vững và tăng cường an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn. Đối với các xã đã đạt chuẩn, lựa chọn nội dung phù hợp với kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu. Dự kiến tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho thực hiện chương trình giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 193.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã. |
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng NTM năm 2017 , Thái Nguyên phấn đấu có 10 xã đạt chuẩn; duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã công nhận đạt chuẩn; xây dựng 03 xã “Nông thôn mới kiểu mẫu” trở lên; các xã chưa đạt chuẩn phải tăng thêm từ 2 tiêu chí trở lên so với cuối năm 2016.
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo tỉnh xác định cần triển khai thực hiện tốt các nhóm giải pháp trọng tâm sau: Tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017 và xã đặc biệt khó khăn, để từng bước hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ trực tiếp cho phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn.
Năm 2017, toàn tỉnh Quảng Bình sẽ có 09 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM gồm Xuân Thủy, Sơn Thủy, Cam Thủy (huyện Lệ Thủy); Hiền Ninh, Duy Ninh (huyện Quảng Ninh); Tây Trạch (huyện Bố Trạch); Quảng Liên (huyện Quảng Trạch); Quảng Hải (thị xã Ba Đồn); Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa).
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã rà soát, đánh giá thực trạng đạt được của từng tiêu chí theo bộ tiêu chí mới, quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể đối với từng tiêu chí chưa đạt để quyết tâm hoàn thành trong năm 2017; đồng thời có giải pháp giữ vững các tiêu chí đã đạt được, đặc biệt là tiêu chí: Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, Quốc phòng và an ninh...; giao trách nhiệm cụ thể cho phòng, ban, đơn vị liên quan sắp xếp lịch định kỳ cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí chưa đạt của các xã; phân công cụ thể thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách các xã thường xuyên bám cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; cân đối ngân sách cấp huyện; chỉ đạo các xã bố trí ngân sách cấp xã và huy động từ nguồn lực xã hội khác.
Ngoài việc chỉ đạo các xã thực hiện tiêu chí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, UBND tỉnh giao các sở phối hợp với đơn vị, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các xã, phấn đấu hoàn thành kế hoạch.
Để thuwcjhieenj có hiệu quả chương trình NMT trong giai đoạn tiếp theo, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG về xây dựng NTM rút ra một số bài học kinh nghiệm, từ đó, các địa phương tham khảo để thực hiện một cách hiệu quả hơn.
Một là, xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hai là, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình.
Ba là, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò quan trọng. Thực tiễn cho thấy nơi nào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì trong cùng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét.
Bốn là, phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp.
Năm là, phải có hệ thống chỉ đạo, đồng bộ, hiệu quả; có bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả .
Sáu là, lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân.