Xây dựng NTM ở Vĩnh Phúc: Vĩnh Tường đổi thay từng ngày
- Thứ tư - 28/08/2019 18:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nâng cao thu nhập
Ông Bùi Văn Cơ - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: Xã bắt tay vào xây dựng NTM năm 2012, mới đạt 7/19 tiêu chí. Xác định việc xây dựng NTM là một nhiệm vụ quan trọng, nên ngay từ những ngày đầu triển khai, Đảng ủy, HĐND, UBND xã tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức và kiến thức của nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Sau 7 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, trên cơ sở các nguồn hỗ trợ từ tỉnh, huyện kết hợp với nguồn vốn đối ứng của địa phương và huy động nguồn lực trong dân cư, 100% đường giao thông nông thôn, nội đồng, ngõ xóm của xã được cứng hóa; hệ thống điện được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của nhân dân; 100% các trường học trên địa bàn có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia... Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt hơn 96%; hơn 86% số người dân tham gia bảo hiểm y tế...
“Đại Đồng đã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2018. Chúng tôi đang phấn đấu nâng thu nhập bình quân lên 45 - 50 triệu đồng/người/năm” - ông Cơ cho biết.
Người dân thôn Bàn Giang, xã Phú Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) triển khai dồn điền đổi thửa, phát triển nông nghiệp. (ảnh: Việt Tùng)
Sức mạnh từ lòng dân
Sau hơn 2 năm về đích NTM, chúng tôi mới có dịp trở lại xã Phú Thịnh (Vĩnh Tường) và ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ của làng quê nơi đây. Trên các trục đường chính, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, tiếng máy bào, máy cưa, máy cắt vang lên từ các hộ làm nghề; tại các nhà văn hóa thôn, tiếng cười nói rộn rã của người dân tập thể dục thể thao... Tất cả tạo nên khung cảnh tấp nập như phố phường.
Ông Trần Xuân Khiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh chia sẻ: Để có được kết quả trên là sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt có sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong quá trình thực hiện xây dựng NTM. Bởi khi bắt tay vào xây dựng NTM, Phú Thịnh mới có 7/18 tiêu chí đạt chuẩn, đời sống người dân nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 12 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 9,4%...
Khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức như: Hội nghị, họp dân, các lớp tập huấn về xây dựng NTM, phát tài liệu tuyên truyền NTM đến từng hộ gia đình… để người dân hiểu rõ mình là chủ thể trong tiến trình xây dựng NTM và là người hưởng lợi từ thành quả của chương trình xây dựng NTM…
Trong 5 năm xây dựng NTM, Phú Thịnh huy động trên 100 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 60 tỷ đồng. Hơn 300 hộ hiến đất, với tổng diện tích trên 7.200m2, tiêu biểu như hộ bà Trần Thị Mạnh (thôn Đan Thượng), hiến 96m2 đất nông nghiệp làm đường giao thông nội đồng. Nhiều gia đình ủng hộ tiền mặt xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn như hộ anh Hoàng Văn Tường (thôn Bàn Mạch) ủng hộ 20 triệu đồng, bà Lưu Thị Hiền ủng hộ trên 6 triệu đồng, bà Trần Thị Lân ủng hộ 18 tấn ximăng, bà Ngô Thị Huệ ủng hộ 9 tấn ximăng…
Ông Trần Như Đông - Trưởng thôn Bàn Giang chia sẻ: Nhà văn hóa thôn Bàn Giang được xây dựng với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, ngoài tiền hỗ trợ của ngân sách, người dân trong thôn tự nguyện đóng góp hơn 800 triệu đồng. Giờ đây, đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn khang trang, sạch đẹp...
Hiện xã Phú Thịnh có 100% tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được cứng hóa; 100% các trường học đạt chuẩn quốc gia; 4/4 nhà văn hóa thôn được xây dựng mới có sân chơi thể thao; không còn nhà tạm, nhà dột nát... Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,6%.
Theo Việt Tùng/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây