Xây dựng Nông Thôn Mới ở xã Dân Hòa (Hà Nội): Dân đồng thuận, làm việc gì cũng xong
- Thứ hai - 21/07/2014 22:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khi lòng dân đã thuận
Xã Dân Hòa có diện tích tự nhiên 517ha, với 9.318 khẩu/2.607 hộ, có 5 thôn được chia thành 10 cụm dân cư. Thời điểm triển khai xây dựng NTM năm 2012, Dân Hòa mới đạt 10 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đều cần nhiều kinh phí nên xã gặp không ít khó khăn.
Trong khi đó, vẫn còn không ít cán bộ hiểu chưa đúng về ý nghĩa của chương trình, người dân thì trông chờ, ỷ lại. Nhưng bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu” thông qua các buổi tuyên truyền trên loa, các buổi đối thoại trực tiếp với dân ở các thôn, xóm nên dần dần, bà con đã hiểu rõ về ý nghĩa, sự cần thiết của chương trình.
“Khi người dân chưa hiểu thì rất khó triển khai, nhưng khi họ hiểu rồi thì tham gia rất nhiệt tình, nhiều hộ còn hiến hàng trăm m2 đất ruộng, hàng chục m2 đất thổ cư, ủng hộ hàng chục triệu đồng để làm đẹp cho thôn, xã mình” – ông Nguyễn Tuệ Sơn – Chủ tịch UBND xã Dân Hòa vui vẻ cho hay.
Còn nhớ 3 năm trước, nhiều tuyến đường của xã vẫn là đường đất nên bà con đi lại rất vất vả. Nhờ triển khai xây dựng NTM, đến nay hầu hết các tuyến đường liên thôn, xã đã được đổ bê tông khang trang, một số trục nội đồng đã được cứng hóa, rải cấp phối rộng rãi.
Đặc biệt là xã đã thành lập ở mỗi thôn một tổ thu gom, xử lý rác thải với hơn 40 xe thu gom rác, hàng ngày chôn lấp rác tại nơi quy định, đồng thời rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng nên đã từng bước khống chế được nạn ô nhiễm rác thải trên địa bàn.
Cùng với việc vận động người dân thu gom, đổ rác theo giờ, không vứt rác bữa bãi ra đường, kênh mương…, thời gian tới xã sẽ ký hợp đồng với Công ty Môi trường Thăng Long để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đến từng thôn, xóm, giúp môi trường xanh, sạch, đẹp.
Hỏi về thành quả lớn nhất sau 2 năm xây dựng NTM, ông Nguyễn Tuệ Sơn cho rằng, kết quả lớn nhất chính là đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương được nâng lên rõ rệt. Trước năm 2012, thu nhập bình quân mới đạt 14 – 16 triệu đồng/người/năm thì nay đã đạt 26 - 30 triệu đồng/người/năm (gấp 1,7 lần trung bình thu nhập khu vực nông thôn của thành phố). Một trong những yếu tố làm nên thành công này, chính là xã đã làm tốt dồn điền đổi thửa (DĐĐT), chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, trong đó Dân Hòa chỉ mất chưa đầy 3 tháng để hoàn thành DĐĐT.
Ông Sơn cho biết: “Lúc đầu khi đưa ra phương án DĐĐT, cũng có nhiều ý kiến chưa đồng thuận, do đó chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn thật kỹ với dân, cũng như tiếp thu ý kiến đóng góp của bà con, khi đông đảo người dân nhất trí phương án thì mới tiến hành gắp phiếu, chia ruộng. Bài học chúng tôi rút ra là khi người dân được tham gia đầy đủ các khâu thì rất khó có chuyện tiêu cực và chắc chắn DĐĐT sẽ thành công”.
Đang canh tác trên thửa ruộng rộng gần 6 sào liền thửa, bà Đỗ Thị Hái, thôn Vũ Lăng phấn khởi nói: “Trước gia đình tôi có tới 4 – 5 thửa, nay chỉ còn 1 thửa nên công cày bừa, cấy, chăm sóc đều giảm, còn năng suất thì tăng lên. Các tuyến đường nội đồng cũng được mở rộng, cứng hóa nên rất tiện cho việc đi lại, vận chuyển”.
Còn nhiều khó khăn
Mặc dù đã gặt hái được nhiều thành công, nhưng đến nay Dân Hòa mới đạt 15/19 tiêu chí, 4 tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó (giao thông mới đạt 65%, thủy lợi 60%, trường học 60%, cơ sở vật chất văn hóa 60%), trong khi mục tiêu về đích vào cuối năm 2014 không còn nhiều thời gian.
Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Trong 4 tiêu chí trên thì thủy lợi khó đạt nhất, bởi đa số kênh mương của xã là kênh đất, để cứng hóa cần rất nhiều kinh phí. Còn về giáo dục, vừa qua xã đã giải phóng xong mặt bằng để xây trường mầm non; về tiêu chí giao thông, nếu Nhà nước cấp vật liệu thì người dân chỉ làm 1 tháng là xong. Tương tự, về cơ sở vật chất văn hóa, xã còn thiếu 2 nhà văn hóa cụm dân cư Phố Vác, thôn Vũ Lăng và nhà văn hóa, khu thể thao của xã, mặc dù đã quy hoạch nhưng chưa có kinh phí để triển khai xây dựng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Nhĩ – Trưởng thôn Vũ Lăng cho biết thêm: “Các tiêu chí khác hầu như thôn đã đạt chuẩn, chỉ còn thiếu một nhà văn hóa thôn. Ngoài ra, thôn có một ao làng rất đẹp, nhưng vì chưa được đầu tư kè, nạo vét nên thời gian tới cũng cần được khắc phục. Rất mong cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí để thôn xây nhà văn hóa, kè lại ao, vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường”.
Ông Nguyễn Tuệ Sơn – Chủ tịch UBND xã Dân Hòa cho biết thêm: “Dân Hòa đang cố gắng về đích vào cuối năm 2014 nên rất cần sự hỗ trợ kinh phí của huyện, thành phố và sự tham gia đóng góp của người dân. Về phía xã sẽ vận dụng linh hoạt mọi nguồn lực, tập trung chỉ đạo hoàn thành các tiêu chí còn lại để về đích trong thời gian sớm nhất”.