Xây dựng Nông thôn mới hướng về nhân dân

Xây dựng Nông thôn mới hướng về nhân dân
Hậu Lộc là huyện ven biển thuần nông của tỉnh Thanh Hóa, nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều thay đổi và khởi sắc.


Tập trung sản xuất và phục vụ dân sinh

Trao đổi với PV Báo NNVN, bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Hậu Lộc khẳng định. nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM mà diện mạo nông thôn, nông nghiệp của huyện ngày càng đổi thay. Đến nay, huyện có 4 xã được công nhận NTM và nhiều xã đã hoàn thành nhiều tiêu chí NTM quan trọng.

Theo bà Liên, ngay từ khi bắt tay xây dựng NMT, Hậu Lộc đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban; Chủ tịch UBND huyện làm Phó ban. Các xã đều xây dựng Nghị quyết trên cơ sở tập trung dân chủ, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; lựa chọn các tiêu chí đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện.

Trong đó, tập trung vào các tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, gắn vào đó là xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được xác định là khâu quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện.

Bên cạnh đó, Hậu Lộc còn đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ưu tiên phát triển nhanh các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh, có tỷ lệ gia tăng trên doanh thu cao như trang trại chăn nuôi tập trung lợn ngoại C.P, gà, vịt, thỏ, thủy sản…; phát triển các sản phẩm tiềm năng như cây ăn quả, lúa chất lượng cao, lạc, rau an toàn…

Nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, nhất là có sự liên kết với doanh nghiệp như: Ớt xuất khẩu ở các xã Liên Lộc, Hoa Lộc, Đa Lộc…;sản xuất ngô ngọt ở xã Phú Lộc, Hưng Lộc…; vùng sản xuất giống lúa VS1 ở xã Tuy Lộc, nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Minh Lộc, nuôi cá vược ở xã Xuân Lộc.

Nhiều kết quả đáng mừng

Với phương châm ưu tiên cho sản xuất và phục vụ dân sinh, đến nay toàn huyện đã có 18 ha, 10.000m2 nhà lưới thực hiện liên kết sản xuất rau an toàn, hàng ngàn ha cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thu nhập bình quân trên 250 triệu đồng/ha/năm.

Trong đó có diện tích trên chân đất chuyên màu luân canh 4 vụ/năm (khoai tây đông xuân - dưa xuân - dưa hè thu - lạc thu đông) cho thu nhập trên 400 triệu/năm.

Trong chăn nuôi có 82 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN- PTNT có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, riêng trại chăn nuôi lợn nái sinh sản tại xã Phú Lộc doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, huyện Hậu Lộc còn phát huy các mô hình điển hình như: Cơ giới hóa trong nông nghiệp, mô hình trồng ớt trên diện tích đất nhiễm mặn tại xã Đa Lộc, chăn nuôi thỏ công nghiệp tại xã Tuy Lộc, trồng nấm tại xã Lộc Tân và nuôi trồng thủy sản tại xã Văn Lộc, Minh Lộc …

Quá trình xây dựng NTM, huyện ưu tiên phát triển các ngành nghề nông thôn như: làng nghề truyền thống cơ khí tại Tiến Lộc, nấu rượu gạo xã Cầu Lộc, nghề mộc Minh Lộc, nghề đóng thuyền ở Hòa Lộc, nghề làm muối ở Hải Lộc, Hòa lộc...

Một số nghề mới được du nhập về như: Thêu ren, móc hộp, mây giang xiên, khâu bóng Denta tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.

Với sự chỉ đạo quyết liệu, cách tổ chức khoa học, hiệu quả trên tinh thần xây dựng NTM hướng về nhân dân, tin chắc rằng, chương trình xây dựng NTM của huyện sẽ sớm cán đích.

Đến nay, kết quả xây dựng NTM ở Hậu Lộc được phân thành 4 nhóm: Nhóm 1 đạt 19 tiêu chí NTM có 4 xã Phú Lộc, Văn Lộc, Đại Lộc và Minh Lộc; Nhóm 2 đạt 15 - 18 tiêu chí có 11 xã Hoa Lộc, Tân Lộc, Quang Lộc, Mỹ Lộc, Liên Lộc, Hưng Lộc, Lộc Sơn, Tuy Lộc, Hải Lộc, Hòa Lộc chiếm 44%; Nhóm 3 đạt 10 - 14 tiêu chí gồm 9 xã Đa Lộc, Triệu Lộc, Thuần Lộc, Cầu Lộc, Đồng Lộc, Thành Lộc, Châu Lộc, Thịnh Lộc và Tiến Lộc chiếm 36%. Nhóm 4 đạt 8 tiêu chí là xã Phong Lộc (4%).
Theo Nguyên Hạnh/nongnghiep.vn