Xây dựng Nông thôn mới tại Bình Lục: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu

Xây dựng Nông thôn mới tại Bình Lục: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu
Cuối năm 2017, Bình Lục đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt từ 14 tiêu chí trở lên. Là huyện trọng điểm trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Hà Nam, việc triển khai xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong huyện đều xác định phải tập trung thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, theo hướng liên kết chuỗi để tăng thu nhập thì mới huy động được sức dân.
 

Mô hình trồng rau nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục

Bình Lục là một trong những huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất Hà Nam, song ruộng đất hiện còn rất manh mún, phân tán. Trung bình mỗi hộ dân của huyện có 4 - 7 thửa ruộng, do đó việc chăm sóc, canh tác gặp rất nhiều khó khăn, việc đưa các mô hình mới vào sản xuất không thuận lợi. Do đó, Bình Lục xác định, khâu then chốt giúp chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, nâng cao năng suất lao động là phải vận động nhân dân thực hiện dồn đổi ruộng đất. Để làm được điều này, ngoài việc tuyên truyền, vận động, huyện đã ra nghị quyết để thực hiện. 15 xã trong huyện đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa. Trong đó 11 xã chọn phương án “dỡ” ruộng ra chia lại, 4 xã thực hiện việc dồn đổi ruộng đất với tiêu chí mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa. Từ đó thuận tiện cho việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng với dồn đổi ruộng đất, Bình Lục quyết liệt triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người dân. Trong năm 2017, huyện đã hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất từ 10ha trở lên sản xuất lúa, rau củ quả sạch tại 19/19 xã, thị trấn với tổng diện tích 572 ha; có 10 xã thực hiện 17 mô hình liên kết sản xuất với diện tích 130,7ha sản xuất lúa chất lượng cao, rau, củ quả sạch, cây có múi, cây dược liệu. Trong đó triển khai mô hình liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa giống và lúa hàng hóa với diện tích 112ha tại 6 xã. Thí điểm mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây dược liệu với diện tích 5,72ha. Điều rất mừng là các mô hình đều đạt hiệu quả cao hơn so với thông thường từ 15 - 20 %. Cùng với trồng trọt, thực hiện đề án chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, đến nay, huyện đã triển khai được 7 dự án tại 2 xã La Sơn và Vũ Bản với diện tích là 25,2ha; nhập được 138 con bò và trồng được 7,7 ha cỏ. Bổ sung quy hoạch dự án chăn nuôi bò tại xã Trung Lương với diện tích 20ha, hiện nay đang tiến hành các bước để triển khai tích tụ ruộng đất thực hiện dự án.

Năm 2018, Bình Lục tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Huyện tiếp tục thực hiện kế hoạch tích tụ ruộng đất, xây dựng mỗi xã 1mô hình có quy mô diện tích 10ha trở lên để sản xuất lúa, rau củ quả sạch liên kết tiêu thụ với Tập đoàn Vingroup và các doanh nghiệp. Đồng thời huyện cũng nhân rộng đề án bò thịt, bò sinh sản, xây dựng quy hoạch khu chăn nuôi lợn tập trung để liên kết với Tập đoàn Massan.

Cùng với chỉ đạo phát triển sản xuất, Bình Lục tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, huyện, các nguồn xã hội hóa thực hiện các nội dung tiêu chí NTM như: giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, cải tạo các công trình phúc lợi… Phấn đấu đến hết năm 2018, huyện có thêm 3 xã về đích NTM. 

Theo Thúy Vân/daibieunhandan.vn