Xây dựng Tân Thủy ngày càng phát triển

Trước khi thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Tân Thủy, huyện Ba Tri chỉ đạt 6/19 tiêu chí, kinh tế chậm phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng xuống cấp, lạc hậu, công tác an sinh xã hội còn nhiều hạn chế. Sau hơn 4 năm nỗ lực phấn đấu, ngày 15-12-2015, xã sẽ tổ chức lễ công nhận đạt chuẩn NTM.
Đường về xã nông thôn mới Tân Thủy hôm nay. Ảnh: Hữu Hiệp
Khi người dân đồng thuận cao           
Sau khi tiếp thu tinh thần Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 05 của Huyện ủy Ba Tri và Kế hoạch của UBND huyện về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, Đảng ủy xã đã cụ thể hóa thành Nghị quyết số 18; HĐND ban hành Nghị quyết số 07 để lãnh đạo; UBND xã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Sau đó, triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã nhằm nâng cao nhận thức, cùng nhau phấn đấu thực hiện.
Ngay từ khi phát động phong trào xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo (BCĐ) xã đã ý thức được vai trò chủ thể quan trọng của nhân dân nên đã phát động phong trào thi đua toàn dân tham gia xây dựng NTM; từng ngành, từng đoàn thể cụ thể hóa thành kế hoạch; mỗi ấp cụ thể hóa bằng các công việc, công trình thiết thực để tham gia. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, đảm bảo các công trình công cộng đều được bàn bạc công khai và lấy ý kiến của nhân dân, có giám sát cộng đồng, tuân thủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Từ đó, kích thích tinh thần tham gia sôi nổi, nhân dân đồng thuận hiến hơn 7,5 héc-ta đất và đóng góp hơn 5 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông và các công trình công cộng khác trên địa bàn. 
Đặc biệt, trong năm 2015, thực hiện Chỉ thị số 16 của Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” và sự quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân, sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các ngành huyện, tỉnh, BCĐ xã tập trung chỉ đạo và đến cuối tháng 10-2015, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM.
Những đổi thay tích cực
Xã lấy dân làm chủ thể, làm nòng cốt trong quá trình thực hiện, trong đó tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu góp phần thực hiện thành công các tiêu chí còn lại. Từ đó, xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy về nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả, Nghị quyết của Huyện ủy về thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất; chủ động áp dụng nhiều hình thức sản xuất phù hợp, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung thành hợp tác xã, tổ hợp tác, gia trại chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Đến nay, các mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình hoạt động của hợp tác xã thủy sản, nuôi bò sinh sản, tổ hợp tác rau an toàn... tiếp tục được nhân rộng. Người dân có điều kiện liên kết, hỗ trợ trong sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
 
Khẩn trương thi công các tuyến đường về các ấp. Ảnh: Hữu Hiệp
Tập trung thực hiện công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Vận động nhân dân tham gia các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, giới thiệu các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp: đan ghế nhựa, may mặc, nuôi bò sinh sản, thợ nề. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 29,61 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,85% (172 hộ nghèo). Thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, xã đã có 16,5km đường trục xã được xây dựng đạt chuẩn theo quy hoạch, gần 4km đường liên ấp có mặt đường rộng 3m, đường liên xóm đảm bảo 100% không lầy lội, 3.756m đường liên xóm ấp rộng 2m. Hệ thống cống, kênh mương thông thoáng với 17 tuyến kênh có chiều dài 29,44km được nạo vét, khai thông dòng chảy hàng năm, đảm bảo việc tưới tiêu phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh.
Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của nhân dân cũng được nâng lên đáng kể. Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, 1 nhà văn hóa ấp được xây dựng mới, trang thiết bị phục vụ hiện đại, 4 trụ sở ấp được nâng cấp, xây dựng khang trang đáp ứng đầy đủ nhu cầu giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, sinh hoạt, hội họp. Về nhà ở, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tự chỉnh trang, sửa chữa nhà ở đảm bảo an toàn trong mùa mưa. Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí của các ngành, các cấp và các mạnh thường quân để từng bước xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến nay có 85,86% nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng.
Công tác giáo dục luôn được quan tâm, chất lượng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, đảm bảo thực hiện tốt công tác chuyên môn, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm đạt trên 98%; số học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học, đạt tỷ lệ 87,41%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 22,13%. Trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trên nền tảng xã văn hóa năm 2009, để duy trì kết đạt quả đạt được và tiến tới xã văn hóa NTM, hàng năm, BCĐ xã đều xây dựng kế hoạch thực hiện nâng chất toàn diện ấp văn hóa, xã văn hóa. Kết quả, 6/6 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa và giữ vững danh hiệu liên tục 5 năm liền.
Đến nay, xã đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng nguồn lực huy động đạt 222,427 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương 16,573 tỷ đồng, vốn tỉnh: 47,151 tỷ đồng, vốn huyện: 1,803 tỷ đồng, vốn xã: 26,5 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp: 1,428 tỷ đồng, vốn dân: 128,972 tỷ đồng.
Hệ thống điện được phủ kín toàn xã, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn đạt 99,65%, tình trạng điện yếu gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân đã không còn. Trường mẫu giáo, tiểu học và THCS được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, đầy đủ các trang thiết bị phục vụ dạy và học đạt hiệu quả cao. Chợ Tân Bình được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2013, chợ Tân An được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2015 với diện tích mỗi chợ khoảng 10.000m2, đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong và ngoài xã trao đổi hàng hóa thông thương. Xã phối hợp với Ban quản lý chợ từng bước xây dựng chợ đạt chuẩn NTM, đảm bảo hoạt động hiệu quả, mỹ quan và vệ sinh môi trường.
BCĐ xã tập trung xuyên suốt thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường. Đến nay, môi trường xã đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, trong đó có 42,6% hộ sử dụng nước máy từ nhà máy nước Tân Mỹ. Xã có 226 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đảm bảo yêu cầu về môi trường, thực hiện thủ tục bảo vệ môi trường đúng theo quy định. Toàn xã có 2.474/2.504 hộ có hố xí hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 98,8%. Đường làng, ngõ xóm được trồng hoa và cây xanh tạo vẻ mỹ quan môi trường.
Hệ thống chính trị được thường xuyên củng cố, kiện toàn nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý từ xã đến các ấp. Đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Đảng bộ 4 năm liền được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh; chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đều được công nhận vững mạnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Xây dựng Tân Thủy ngày càng giàu đẹp
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Triết cho rằng, đạt chuẩn xã NTM là kết quả bước đầu, điều quan trọng là giữ cho được thành quả hôm nay, phát triển và hoàn thiện ngày càng cao hơn trong thời gian tới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Thủy sẽ quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 16 của Tỉnh ủy về việc phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp để vận dụng vào thực tế địa phương.
Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xã sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả song song với việc bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt công tác giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Quyết tâm giữ vững danh hiệu xã NTM, xây dựng xã Tân Thủy ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn.
Cùng chung sức xây dựng nông thôn mới
Mục đích của phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) là làm cho đời sống người dân khá hơn, kinh tế phát triển hơn; qua đó, cũng thể hiện được sự “chung sức, chung lòng” của cả hệ thống chính trị với người dân địa phương. Sau đây là ghi nhận của phóng viên.
Ông Lê Thanh Bình - Chủ tịch Hội nông dân xã: Thời gian qua, Hội đã cùng với chính quyền và người dân tích cực thực hiện các phần việc được phân công trong các tiêu chí xây dựng NTM. Hội được phân công nhiệm vụ xây dựng các thiết chế gia đình văn hóa, vận động người dân xây dựng hố xí hợp vệ sinh... Đặc biệt, trong phong trào xây dựng NTM, các hội viên nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn trong trồng trọt, chăn nuôi nên thu được lợi nhuận cao, kinh tế khá hơn. Hội thành lập được 2 tổ sản xuất rau an toàn, hơn 100 thành viên tham gia.
Ông Nguyễn Hữu Thoại - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Bình Phước: Tôi gắn bó với nghề trồng hoa màu đã hơn 40 năm, chủ yếu là hành tím. Khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia thì sản phẩm và lợi nhuận cũng được tăng lên. Nhưng vui mừng lớn nhất của tôi vẫn là thấy quê hương mình đã thay đổi như câu nói “mỗi gia đình là tế bào của xã hội, nhiều gia đình tốt sẽ được xã hội tốt”. Xã đạt chuẩn NTM đã chứng minh cho đời sống người dân ngày càng tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Quý Em - người dân tiêu biểu trong hiến đất làm đường: Trong thời gian xây dựng NTM, tôi đã hiến 1.500m2 đất và nhiều cây trồng để làm đường. Vì sự đóng góp của mình mà mọi người đi lại thuận tiện thì rất mừng, nhất là không thấy cảnh lầy lội mỗi khi các cháu học sinh đi học.
Ông Hồ Văn Sáu - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã: Với vai trò người lính Cụ Hồ, các hội viên cùng nhau đóng góp 1.100m2 đất và 250 triệu đồng để làm các tuyến đường liên ấp, liên xóm trong xây dựng NTM. Ngoài ra, các hội viên còn giúp nhau vượt khó, phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội có 194 hội viên, còn 5 hộ cận nghèo và 5 hộ nghèo, dự kiến sẽ thoát nghèo vào năm tới. Hôm nay chứng kiến sự thay đổi của quê hương, các hội viên đều rất phấn khởi. Mừng cho con cháu mình được học ở những ngôi trường khang trang, đi trên những con đường được trải nhựa và bê-tông phẳng lỳ.
Bà Trần Thị Minh Thư - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã: Sau khi Nghị quyết được ban hành, Hội cụ thể hóa các nội dung và tuyên truyền cho các hội viên hiểu và nắm rõ. Các hội viên đã cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống gia đình. Trong các buổi sinh hoạt, các chị được nắm các thông tin về sức khỏe, các hành vi vi phạm bạo hành gia đình. Hội còn thành lập mô hình “Phụ nữ với tuyến đường không có rác”, thu hút 89 hội viên 2 bên đường tham gia, chiều dài 650m. Hàng tuần, các chị đều ra quân tổng vệ sinh. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan thông thoáng.
Ông Lê Văn Phương - Bí thư Xã Đoàn: Thời gian qua, đoàn viên, thanh niên tại địa phương đã từng bước khẳng định vai trò của mình. Nổi bật nhất là trong phong trào xây dựng NTM. Đoàn viên tích cực học hỏi, tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình; tích cực tham gia bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”. Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Tích cực hỗ trợ ngày công lao động trong các phong trào xây dựng giao thông nông thôn ở địa phương.
Xuân Hương