Xây dựng các hệ thống đổi mới lề lối làm việc, phục vụ người dân
- Thứ hai - 22/07/2019 23:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia (UBQG) về CPĐT cho biết như trên khi báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của UBQG về CPĐT với các Ban Chỉ đạo xây dựng UBQG, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương tổ chức sáng nay (23/7).
Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBQG về CPĐT chủ trì.
Từng bước hoàn thiện khung pháp lý về CPĐT
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xác định năm 2019 là năm bứt phá trong xây dựng CPĐT. Trong đó, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, triển khai thử nghiệm và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng CPĐT. Đặc biệt là cần phát huy vai trò của từng thành viên Chính phủ, nhất là các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thành viên UBQG về CPĐT, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban.
Theo công bố chưa chính thức vào cuối tháng 3 vừa qua của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), năm 2018, Việt Nam xếp thứ 50/193 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá về chỉ số an toàn, an ninh thông tin (tăng 50 bậc so với năm 2017).
Để thúc đẩy xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số, ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Trong đó UBQG về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển UBQG; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Phó Chủ tịch Ủy ban; thành lập Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban đóng vai trò là cơ quan bảo đảm thực thi Nghị quyết này.
VPCP đã tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế; tổ chức hội thảo và hơn 100 cuộc họp, buổi làm việc với các chuyên gia trong nước và quốc tế; trong đó có hơn 20 cuộc họp với các tổ chức quốc tế, sứ quán các nước (Australia, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, World Bank, AFD...), hơn 50 cuộc họp với các chuyên gia trong nước và quốc tế để đánh giá việc triển khai CPĐT tại Việt Nam và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình để thúc đẩy việc thực hiện.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBQG về CPĐT và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 17, huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân, hỗ trợ của quốc tế, những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước… sau 3 tháng triển khai đã cơ bản hoàn thành được 10/16 nhiệm vụ cụ thể được giao trong 6 tháng đầu năm 2019.
Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (còn thiếu TPHCM) đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử; 100% các bộ, ngành và 32/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17.
Một số kết quả tích cực được Tổng thư ký UBQG về CPĐT cho biết là đến nay đã từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CPĐT, cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ CNTT dần được tháo gỡ, các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu, xây dựng khẩn trương. Đến thời điểm này đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai UBQG như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống thành chính nhà nước và Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện; công tác bảo đảm an toàn, an ninh được nhận thức đẩy đủ hơn và đã có những cải thiện tích cực.
Các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, hiện nay các hệ thống CPĐT nhằm đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp đang được xây dựng và triển khai như: Hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và thiết lập Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hệ thống tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật…
Qua triển khai gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, từ 12/3-21/7/2019 đã có 68.257 văn bản gửi và 203.553 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Hiện nay, 62/95 bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành; cung cấp 157.000 chứng thư số cho 86/95 bộ, ngành, địa phương và 314/431 lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh, có 84/95 cơ quan đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 68/95 bộ, ngành, địa phương đã sử dụng máy chủ bảo mật riêng; 27/95 đơn vị đang sử dụng máy chủ dùng chung do VPCP cung cấp.
Ngày 24/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Đây chính là phương thức làm việc mới của Chính phủ hướng tới Chính phủ không giấy tờ, hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Đối với việc xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và thiết lập Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VPCP đang phối hợp với đối tác xây dựng kiến trúc tổng thể của hệ thống và các yêu cầu kỹ thuật, nghiệp vụ.
Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng đang được triển khai như xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trên cơ sở đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019, VPCP đang thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến nay đã cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp để triển khai trên Cổng. Dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm trong tháng 9 tới và vận hành chính thức trong tháng 11.
Ưu tiên nguồn lực triển khai CPĐT
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, bên cạnh một số kết quả tích cực, một số nội dung triển khai còn chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đó là còn tình trạng lùi thời hạn, chưa chủ động trong thực hiện; tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm hoặc gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí thực hiện, một số hệ thống đã triển khai nhưng việc khai thác, sử dụng chưa thật sự hiệu quả; vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu còn rất hạn chế. Công tác gửi, nhận văn bản điện tử đã được triển khai rộng khắp, nhưng việc bảo đảm giá trị pháp lý của văn bản điện tử chưa được đồng bộ, thể thức, hình thức ký số văn bản của các bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất…
Để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử hiệu quả, tại hội nghị, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng CPĐT theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc.
Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thể thức, giá trị pháp lý của văn bản điện tử theo; triển khai thực hiện ký số tất cả các văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật).
Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ văn thư, lưu trữ để bảo đảm văn bản gửi trên Trục liên thông văn bản quốc gia đúng thể thức, đúng thẩm quyền, giá trị pháp lý, đầy đủ nội dung đính kèm và tuân thủ về thời gian gửi, nhận văn bản; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Gia Huy/Chinhphu.vn