Xây dựng cánh đồng mẫu lớn: Doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo
- Thứ hai - 23/07/2012 04:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cần tăng về chất
Theo ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sau 2 năm thực hiện thí điểm mô hình CĐML tại Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tham gia không ngừng tăng. "Nếu như trong vụ hè thu năm 2011 diện tích tham gia mô hình chỉ trên 7.800ha thì vụ đông xuân 2011-2012 tăng lên 19.720ha", ông Tùng cho biết.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, dù diện tích tham gia mô hình CĐML không ngừng tăng nhưng so với tiềm năng thì con số này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. "Gần 20.000ha diện tích tham gia mô hình so với con số 1,6 triệu hecta lúa mỗi vụ thì còn quá ít", ông Bảnh nói.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, CĐML là mô hình thành công nhất từ trước tới nay nhưng có một thực tế là điều cần thì đã có nhưng cái có vẫn như không. Giải thích vấn đề này, ông Năng chia sẻ, cái có ở đây là Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện mô hình, chẳng hạn như ưu đãi vốn cho doanh nghiệp đầu tư xây kho tàng, nhà máy và cái có vẫn như không là cho đến nay việc thực hiện các mục tiêu vẫn chưa đáp ứng được. "Chính vì lẽ đó, "chất" của mô hình vẫn chưa phát huy hết, dù thực tế thu nhập của nông dân tham gia vào mô hình có tăng", ông Năng nói.
Trong khi các tỉnh phía Nam gặt hái được khá nhiều thành công trong việc xây dựng CĐML thì tại miền Bắc, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển mô hình do diện tích canh tác manh mún, khả năng ứng dụng kỹ thuật không đồng đều. Chưa kể, một số cán bộ kỹ thuật trình độ còn hạn chế, chưa nghiên cứu đầy đủ lợi ích của việc xây dựng CĐML, hệ thống chính trị một số nơi chưa tích cực tham gia.
Khẳng định vai trò của doanh nghiệp
Lợi ích tham gia mô hình CĐML đã quá rõ nhưng vì sao vẫn chưa thực sự hấp dẫn nông dân? Lý giải vấn đề này, ông Bảnh cho rằng, doanh nghiệp cần thể hiện vai trò đầu tàu trong việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Theo ông Bảnh, trên một CĐML cần phải có sự đầu tư từ giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm đến xây dựng hạ tầng nhưng hiện nay, đa số doanh nghiệp tham gia vào CĐML chỉ là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng quan điểm trên, TS.Nguyễn Thơ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, việc liên kết với nông dân trong xây dựng CĐML chỉ có những công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật như Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền. Họ không phải là những công ty chuyên kinh doanh lúa gạo. Trong khi đó, những công ty chuyên kinh doanh lúa gạo lại thờ ơ với mối liên kết này.
Các chuyên gia và nông dân tham quan mô hình CĐML ở Long An. |
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị, các doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng khoảng 15% khối lượng xuất khẩu hàng năm, sau đó tăng dần để đạt đến tỷ lệ 80%. Cùng với đó cần có cơ chế quản lý hệ thống thương lái để phát huy tốt vai trò trong tiêu thụ hàng hóa, tăng cường đa dạng hóa các hình thức liên kết nông dân - nông dân, nông dân - doanh nghiệp.
Thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ
Mục tiêu xây dựng CĐML là nhằm thực hiện tốt việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng, gia tăng chất lượng lúa, gạo và làm nền tảng cho việc sản xuất lúa hợp chuẩn thế giới, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Do đó, theo ông Quảng, thời gian tới, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai cánh đồng mẫu lớn, khuyến khích dồn điền đổi thửa để tạo thuận lợi cho việc sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Mỗi địa phương cần có kế hoạch xây dựng thí điểm mô hình CĐML trên đối tượng cây trồng chủ lực, có tính hàng hoá cao tại địa phương mình, từ đó làm cơ sở cho việc mở rộng và phát triển bền vững mô hình.
Một khía cạnh khác trong thực hiện chương trình CĐML là đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đây cũng là chính sách thương mại nông sản gắn với sản xuất quy mô lớn được bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra tại một hội nghị chuyên về CĐML vừa tổ chức mới đây. Về các chính sách này, bà Thoa nhấn mạnh: "Cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách hiệu quả. Xây dựng mối liên kết giữa các chủ thể kinh doanh, trong đó, nông dân sẽ được trang bị những kiến thức kỹ thuật, được cung ứng giống, được tham gia ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ với giá cả hợp lý để người dân tự tính toán được lỗ, lãi. Đặc biệt, cần có chính sách điều chỉnh giá thu mua nông sản hợp lý theo biến động của thị trường nếu giá cả lên thì phải điều chỉnh tăng, còn khi giá xuống thấp thì phải có chính sách hỗ trợ nông dân nhằm giữ nguyên giá thu mua ban đầu để giảm bớt thiệt thòi cho bà con".
Bà Thoa cho biết thêm, trong thời gian tới, cần quan tâm hỗ trợ người dân, HTX và các doanh nghiệp về việc mở website giới thiệu sản phẩm, nhằm tăng cường hơn nữa khâu tuyên truyền, quảng bá thương hiệu để tìm thêm cơ hội đa dạng hóa đơn hàng và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, hỗ trợ người dân và các doanh về vốn, kỹ thuật để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là các thiết bị phục vụ phơi, sấy, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Có như vậy, chương trình xây dựng CĐML mới phát huy hiệu quả của nó.
Quang Minh - Văn Thương
Nguồn:kinhtenognthon.com.vn