Xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả: Doanh nghiệp cần nhất chính sách minh bạch và thuận lợi

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, cần nhất là chính sách phải minh bạch, thuận tiện cho doanh nghiệp, từ đó sẽ tạo môi trường cạnh tranh công bằng và cũng là cơ hội để doanh nghiệp chủ động liên kết tạo thành chuỗi cung ứng bền vững.
Quy trình cơ bản của chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa.

Tại sao chúng ta kêu gọi người Việt dùng hàng Việt cùng hàng loạt các biện pháp tuyên truyền, chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả? Tại sao nhiều sản phẩm  tiêu dùng chất lượng tốt của Việt Nam lại xác định thị trường xuất khẩu là chính chứ không phải thị trường trong nước? Đó là câu hỏi chưa có lời giải đáp thuyết phục được đưa ra tại Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập” do Bộ Công Thương chủ trì hôm 6.10 vừa qua.

Tính đến tháng 4.2017, Việt Nam có hơn 612.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cũng có nghĩa là tiềm lực về vốn của doanh nghiệp Việt không lớn, vì thế kéo theo những khó khăn khác như công nghệ, năng lực quản lý cũng chưa được đầu tư bài bản. Cũng vì năng lực kinh tế hạn chế nên chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Việt chủ yếu vẫn là lấy ngắn nuôi dài, thiếu sự liên kết nên khi tham gia vào chuỗi cung ứng chưa hiệu quả.

Xác định được điểm yếu đó, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng một số đề án, chương trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam sản xuất cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa. Chỉ riêng từ năm 2013 tới nay, đã có 1.025 đề án với tổng kinh phí 511,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giải pháp chính vẫn phải là các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và thay đổi hình thức mẫu mã theo kịp xu hướng của thị trường. Với cơ chế thị trường, không chính sách nào hiệu quả hơn việc sản phẩm tự chứng minh giá trị của mình thông qua đánh giá của khách hàng sau khi sử dụng.

Đại diện Công ty TNHH Ba Huân – Phó Tổng giám đốc Phạm Thanh Hùng nhận định: “Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó trong việc kết nối và phát triển chuỗi cung ứng. Song nếu doanh nghiệp chủ trương hình thành mối quan hệ sản xuất, cung ứng cùng có lợi cho các bên thì việc tạo chuỗi cung ứng bền vững không quá khó khăn”.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần xây dựng chính sách thiết thực, minh bạch, xóa bỏ những thủ tục rườm ra, làm đầu mối xây dựng các mô hình thí điểm về phát triển chuỗi cung ứng theo cơ chế thị trường hội nhập và thực hiện quản lý hậu kiểm đúng như mục tiêu đang đề ra, tự khắc thị trường sẽ hình thành chuỗi cung ứng đúng như mong đợi. 

Nguồn: laodong.vn