Xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi

Trang trại chim cút theo mô hình liên kết chăn nuôi của gia đình ông Trần Nguyễn Hồ ở ấp Long Thành (xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Bài 1: Ghi nhận từ những mô hình
Ðể vừa tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi, vừa giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng, thì phải xây dựng và tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Ðây là hướng đi đúng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...

Ða dạng hình thức liên kết

Có thể khẳng định, năm 2014 là một năm khá thành công của ngành chăn nuôi, với giá trị các sản phẩm chính đều tăng. Cùng với sản lượng thịt, trứng, sữa dồi dào đủ cung cấp cho tiêu dùng nội địa, nhất là cho dịp Tết. Phân tích nguyên nhân của thành công này, các chuyên gia ngành chăn nuôi đánh giá, phương thức sản xuất có sự đổi mới, bước đầu hình thành nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường, tạo được "hệ thống" tiêu thụ sản phẩm an toàn vệ sinh và niềm tin đối với người tiêu dùng.

Theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, hiện đang có hai hình thức liên kết đặc trưng: liên kết theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh (liên kết ngang). Với mô hình liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Người chăn nuôi nhận khoán theo định mức, được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất đai của họ. Trong khi đó, ở hình thức liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh (điển hình là các tổ hợp tác, hợp tác xã...) liên kết lại, hỗ trợ nhau để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả hơn.

Có mặt tại "thủ phủ" chăn nuôi lớn nhất thành phố Hà Nội, trao đổi ý kiến với Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và dịch vụ Cổ Ðông - Sơn Tây Trần Văn Chiến (thị xã Sơn Tây), chúng tôi được biết: Từ khi HTX tham gia vào chuỗi liên kết Công ty CP cộng đồng GREEN FOOD Hà Nội, gần 50 trang trại lợn, 40 trang trại gà của HTX đã có thu nhập tăng từ 20 đến 30% so với các hình thức chăn nuôi trước đây. Ðây là mô hình liên kết khép kín từ cung cấp thức ăn đến thu mua sản phẩm, với tinh thần hợp tác, chia sẻ lợi nhuận với người chăn nuôi, được các chủ trang trại đánh giá là mô hình phù hợp, có đủ cơ sở điều kiện để duy trì lâu dài và hiệu quả. Theo hướng này, đến nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng và phát triển 17 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm với 3.429 thành viên tham gia, trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết tham gia tiêu thụ gần 400 nghìn quả trứng, hơn 22 tấn thịt lợn, gần 11 tấn gia cầm, 150 kg thịt bò, 100 tấn sữa.

Trong khi đó, hình thức liên kết trực tiếp giữa các trang trại chăn nuôi và thị trường tiêu thụ (gồm các siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể) cũng đang phát triển tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Ðịnh... Và đặc biệt, liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi. Ðây là chuỗi điển hình nhất hiện nay và được triển khai tại 12 tỉnh tham gia dự án LIFSAP (dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn vệ sinh thực phẩm). Liên kết được xây dựng bao gồm các hộ chăn nuôi theo quy trình GAHP, các cơ sở giết mổ, các chợ và sản phẩm phải bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Ði theo hướng liên kết "bốn nhà", các mô hình sản xuất chăn nuôi ở tỉnh Hà Nam đã phát huy hiệu quả, thu hút hàng trăm trang trại và các cơ sở chăn nuôi nông hộ. Chuỗi liên kết này được thực hiện với hình thức cơ quan quản lý nhà nước quản lý mọi hoạt động, người chăn nuôi được sử dụng thức ăn chăn nuôi với giá ưu đãi của doanh nghiệp, được ngân hàng cho vay vốn ưu đãi hoặc bảo lãnh cho họ mua thức ăn chăn nuôi trả chậm của doanh nghiệp; các doanh nghiệp cung ứng thức ăn cho người chăn nuôi theo giá đại lý, tiêu thụ sản phẩm chất lượng cho họ với hình thức bán buôn, bán lẻ và bao tiêu theo hợp đồng.

Tại các tỉnh chăn nuôi trọng điểm vùng Ðông Nam Bộ, qua khảo sát của chúng tôi, khi tham gia chuỗi liên kết theo hình thức liên kết doanh nghiệp (chăn nuôi gia công), hầu hết các chủ trang trại, gia trại đều có lãi, do không phải lo về "đầu ra" của sản phẩm và giá cả thị trường. Bên cạnh đó, các "chủ trại" còn học hỏi được nhiều kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến khi hết hợp đồng gia công.

Hạn chế chăn nuôi quy mô nhỏ

Mặc dù đang có những khởi sắc nhất định trong việc xây dựng và tổ chức các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, song phần lớn chăn nuôi nông hộ hiện nay vẫn tồn tại ở quy mô vừa và nhỏ, phát triển tự phát, ảnh hưởng nhiều đến việc tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị tại các địa phương.

Là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi, đến nay tỉnh Ðồng Nai đã có hơn một nghìn hộ dân tham gia tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học. Tuy nhiên, trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Nguyễn Trí Công vẫn phải thừa nhận, công tác này ở tỉnh Ðồng Nai còn phát triển khá tự phát, quy mô sản xuất nhỏ, chưa thật sự mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Chia sẻ về quan điểm này, nhiều hộ chăn nuôi ở các tỉnh Tiền Giang, Ðồng Nai - đầu mối cung cấp thực phẩm cho thị trường TP Hồ Chí Minh, đều mong muốn được chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, nhưng hiện địa phương chưa đáp ứng được.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Lê Minh Khánh, thì địa phương phải quy hoạch, tạo ra quỹ đất đủ điều kiện cho các nông hộ phát triển chăn nuôi tập trung, theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, đề xuất này của ngành nông nghiệp mặc dù đã được tỉnh phê duyệt, song vẫn chưa có kết quả thực tế. Phải chăng, do công tác quản lý còn hạn chế, nên người chăn nuôi không biết chọn con giống nào thì tốt, mua thức ăn của đại lý nào và bán cho ai. Do tự phát trong chăn nuôi, không có sự liên kết từ đầu vào đến đầu ra, nên lúc bán sản phẩm, họ còn bị các đối tượng trung gian lợi dụng, ăn chặn, bị thương lái ép giá, vì vậy hiệu quả chăn nuôi vẫn thấp, thậm chí nhiều hộ lỗ nặng.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang Nguyễn Vĩ Nhân chia sẻ: Những vấn đề hiện nay mà các địa phương đặc biệt quan tâm, đó là con giống và môi trường. Song, do các nông hộ hiện còn chăn nuôi nhỏ lẻ cho nên khó xây dựng được các chuỗi liên kết, từ đó chưa xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm, sản phẩm chăn nuôi an toàn có nguồn gốc vẫn phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, dẫn đến không cạnh tranh được giá bán. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh tới người chăn nuôi để mở rộng sản xuất và nhân rộng các mô hình liên kết từ sản xuất đến thị trường.

(Còn nữa)

BÀI, ẢNH: HẢI PHƯƠNG VÀ VŨ THÀNH
theo nhandan