Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn
- Thứ sáu - 06/07/2012 05:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ thực tế này, Bộ NNPTNT đang tiến hành nghiên cứu việc xây dựng “chuỗithực phẩm an toàn”.
Mô hình đột phá
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: “Theo quy định mới của Luật An toàn thực phẩm, Bộ NNPTNT sẽ là cơ quan có vai trò quan trọng nhất trong việc đảm bảo ATVSTP. Thực tế, nếu làm tốt khâu kiểm soát sản xuất, tức là kiểm soát thực phẩm ngay từ đầu vào, chúng ta mới có thể có một sản phẩm tới bàn ăn an toàn". Theo bà Thu, để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ NNPTNT đang soạn thảo Thông tư “Quy định phân tích nguy cơ và quản lý ATTP theo chuỗi sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thuỷ sản” nhằm quản lý tốt hơn vấn đề ATTP.
Quản lý chuỗi thực phẩm, nông sản phải bắt đầu từ khâu sản xuất. |
Được biết, nội dung chính của thông tư này sẽ tập trung vào việc xây dựng và phát triển quản lý theo chuỗi. Bởi việc quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn được coi là mô hình có tính đột phá và bền vững. Chuỗi này sẽ bắt đầu từ khâu cung ứng vật tư nông nghiệp đến sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, mỗi khi xảy ra sự cố về ATTP, có thể truy xuất tận gốc sản phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Bà Thu cho rằng: “Khi đã xây dựng được quản lý theo chuỗi, khâu kiểm soát chất lượng sẽ do doanh nghiệp thực hiện, còn Nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát”.
Ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cũng cho rằng: “Quản lý chuỗi thực phẩm an toàn là mô hình có tính đột phá, mang lại hiệu quả bền vững, được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Nếu làm tốt việc quản lý chuỗi từ khâu cung ứng vật tư nông nghiệp đến quá trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, chế biến, buôn bán, chắc chắn sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ an toàn”.
Khó xây dựng do sản xuất manh mún
Theo ông Lê Thanh Hoà - Phó Giám đốc Văn phòng Kiểm dịch động, thực vật (SPS) Việt Nam, thuộc Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT), trong thương mại quốc tế đang có rất nhiều tranh cãi liên quan đến ATVSTP. Gần đây, nhiều nước đưa ra quan điểm về việc nếu làm tốt an toàn và chứng nhận chuỗi thì sẽ không phải chứng nhận kiểm dịch. Do đó, việc quản lý ATVSTP theo chuỗi có tính khả thi cao, nhưng điểm mấu chốt là sản xuất ở nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún. “Nhiều hộ nông dân dành một mảnh ruộng trồng rau riêng cho gia đình sử dụng, còn ruộng trồng rau bán ra ngoài lại trồng theo phương thức khác. Vì vậy, nếu việc kiểm soát theo chuỗi được thực hiện, sẽ tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng” - ông Hoà nói.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) nhận xét: “Vấn đề quản lý ATVSTP không phải không thực hiện được. Tuy nhiên, trên thực tế việc này vẫn chưa đạt được hiệu quả bởi chúng ta thiếu cán bộ hiểu biết về lĩnh vực này, trong khi ngày càng có thêm nhiều các quy định mới”. Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ đẩy mạnh hai khâu quan trọng nhất là truyền thông và đào tạo cho cán bộ quản lý ATVSTP, làm cơ sở để tạo ra sự đột phá trong quản lý lĩnh vực này.
Theo ông Tiệp, chiến lược quốc gia về ATVSTP đã đề ra những mục tiêu cụ thể để kiểm soát thực phẩm được an toàn, bao gồm: Kiến thức và thực hành đúng về ATVSTP; năng lực của hệ thống quản lý ATTP; ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm... Chiến lược đặt kỳ vọng đến năm 2020, việc kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp sẽ được thiết lập và phát huy hiệu quả; 95% số người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, 100% số người quản lý và 80% số người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP... "Tuy nhiên, để có chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, trước hết phải bắt đầu từ khâu sản xuất" - ông Tiệp nhấn mạnh.